Ðất lành Ðà Lạt, nơi sinh sôi nảy nở nhiều loài cây quý. Và giờ đây dưới bàn tay của Thạc sĩ Phan Công Du - Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Ðồng, cây sâm Ngọc Linh đầu tiên trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô đã nở hoa trên vùng đất này.
Treo giải 1 tỷ đồng
Hơn 10 năm trước, Lâm Đồng đã làm chủ được nguồn cây giống sâm Ngọc Linh bằng công nghệ vi nhân giống (hay còn gọi là phương pháp nuôi cấy mô thực vật - invitro) khi loài cây quý này hầu như bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên.
Thạc sĩ Phan Công Du - Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, chủ nhiệm đề tài bên cây sâm Ngọc Linh invitro đầu tiên nở hoa. |
Và Lâm Đồng trở thành địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để nhân giống invitro cây sâm Ngọc Linh, tạo nguồn cây giống chất lượng phục vụ cho công tác phát triển sản xuất quy mô lớn, tiến tới làm chủ nguồn giống, giảm sự phụ thuộc nguồn cây giống từ hạt trong tự nhiên đang được trồng như hiện nay tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Kết quả này đã được khẳng định bởi nhóm nghiên cứu của PGS.TS Dương Tấn Nhựt thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, tạo ra cây invitro hoàn chỉnh, đảm bảo tỉ lệ sống sau trồng hơn 80%.
“Công nghệ vi nhân giống (nuôi cấy mô thực vật) một lần nữa khẳng định tính vượt trội của mình khi thành công trong việc giúp cho Đà Lạt - Lâm Đồng từng bước làm chủ công nghệ tạo cây giống, giải quyết được bài toán khó khăn nhất trong việc nhân rộng loài cây dược liệu quý hiếm và đặc hữu này đến trồng ở những vùng đất mới, không còn bó hẹp ở dưới các tán rừng nguyên sinh, nơi có tầng thảm mục dày nữa”, PGS.TS Dương Tấn Nhựt nhấn mạnh.
“Việc xây dựng quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh từ giai đoạn nuôi cấy invitro đến khi ra vườn ươm và vườn trồng đã được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, để cây sâm invitro hoàn thành vòng sinh trưởng và phát triển thì cần phải có nghiên cứu giai đoạn cây ra hoa và tạo hạt. Đây là hướng nghiên cứu mới và cần thiết”, là điều mà các nhà khoa học băn khoăn.
3 năm trước, khi đang là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, PGS.TS Lê Xuân Thám trong cương vị là Chủ tịch Hội đồng khoa học xét duyệt đề cương đề tài đã mạnh dạn phê duyệt đề tài “Nghiên cứu khả năng ra hoa tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh invitro tại Đà Lạt” và quyết định “treo thưởng” 1 tỷ đồng nếu ai thực hiện được điều này.
Việc cây sâm Ngọc Linh invitro ra hoa là một “kỳ tích” |
Cây sâm Ngọc Linh đầu tiên nở hoa
Qua hơn 2 năm nghiên cứu với nhiều thực nghiệm, thử nghiệm khác nhau, với hơn 1.000 cây giống invitro ban đầu từ 1 đến 2 năm tuổi.
Từ việc nghiên cứu xác định các loại giá thể phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, nghiên cứu chế độ dinh dưỡng hợp lý, đến việc điều chỉnh các yếu tố sinh thái môi trường phù hợp, các cây sâm Ngọc Linh vẫn “im lìm”.
Những tưởng đề tài sẽ đi vào bế tắc khi thời gian thực hiện sắp hết, thì một sáng cuối tháng 6/2017, hai chùm hoa bé xíu xuất hiện.
Nhóm nghiên cứu của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, chủ trì là Thạc sĩ Phan Công Du - chủ nhiệm đề tài đã làm nên điều kỳ diệu khi cây sâm Ngọc Linh invitro đã ra hoa trong vườn sâm được trồng trong điều kiện nhà kính - đây là cây sâm Ngọc Linh invitro đầu tiên ra hoa tại Đà Lạt.
Mọi sự nghi ngờ, cho rằng cây sâm Ngọc Linh ra hoa là “hên xui” bị dập tắt hoàn toàn khi 2, 3 và đến nay đã có 4 cây ra hoa, đánh dấu một bước phát triển mới của sâm Ngọc Linh invitro Đà Lạt.
Tín hiệu mới cho sâm Ngọc Linh Ðà Lạt
Theo PGS.TS Lê Xuân Thám, việc cây sâm Ngọc Linh invitro ra hoa là một “kỳ tích”, bởi từ trước đến nay Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung chưa có cây sâm Ngọc Linh invitro nào ra hoa. PGS.TS Lê Xuân Thám cho rằng: “Lâm Đồng phấn đấu hơn 10 năm nay vẫn chưa thu được củ sâm chất lượng từ cây invitro, và cây vô tính ra hoa kết hạt thì lại càng chưa có.
Vì vậy, khi cây sâm Ngọc Linh invitro ra hoa thì sẽ thu được hạt giống, khép kín quá trình sinh trưởng, phát triển sâm Ngọc Linh. Từ đó, sẽ thu được củ tốt, chất lượng từ cây sâm gieo trồng bằng hạt như trong tự nhiên”.
“Với mục tiêu làm cho cây Sâm Ngọc Linh invitro ra hoa, tạo hạt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đà Lạt nhằm tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất củ sâm Ngọc Linh từ hạt của cây invitro.
Đây là kết quả ban đầu, khẳng định sự thành công mang tính đột phá trong chuỗi các công trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh đến thời điểm hiện nay, tạo tiền đề để tiếp tục hoàn chỉnh và nhân rộng kết quả này”, Thạc sĩ Phan Công Du - chủ nhiệm đề tài trên khẳng định.
Ngoài ý nghĩa trên thì Thạc sĩ Phan Công Du cho biết thêm, việc cây sâm Ngọc Linh invitro ra hoa, kết hạt và nếu hạt nảy mầm, sẽ giúp sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển rộng rãi như trong môi trường tự nhiên.
Anh Du nửa đùa nửa thật: “Nói theo người Hàn Quốc, làm sao để sâm Ngọc Linh phổ biến như củ cải trong bữa ăn hàng ngày thì đối với người Việt Nam, biến sâm Ngọc Linh thành củ cà rốt là ước mơ của chúng tôi”.
Mặc dù đã có những bước phát triển mới trong trồng trọt và bảo tồn sâm Ngọc Linh nhưng hiện nay sâm Ngọc Linh vẫn còn là sản phẩm “xa xỉ” bởi giá trị hàng hóa của nó đang được đẩy lên quá cao và hiếm có trên thị trường - giá sâm trồng dao động từ 50 đến 70 triệu đồng/kg tùy vào độ tuổi và kích thước củ.
Chính vì giá trị của nó, việc thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh invitro đã ra hoa trong vườn sâm trồng trong điều kiện nhà kính mang đến tín hiệu mới cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Đà Lạt trong tương lai.
(Theo Báo Lâm Đồng)