Càng ngày càng “nóng” hơn bầu Đức, bầu Long và vợ đã kiếm được gần 700 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày ngắn ngủi.

Trong khi tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai “nguội dần” trên sàn chứng khoán Việt Nam thì ông Trần Đình Long (bầu Long), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát càng ngày càng nóng hơn.

Sau 5 ngày giao dịch ngắn ngủi, gia đình bầu Long kiếm được gần 700 tỷ đồng khi cổ phiếu HPG duy trì được đà đi lên. Cụ thể, cổ phiếu HPG tăng 2.900 đồng/CP lên 42.700 đồng/CP. Nhờ HPG, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long tăng thêm 535 tỷ đồng lên 7.871 tỷ đồng.

Gia đình ông Long được hưởng lợi hơn nhờ đà đi lên của cổ phiếu HPG nếu tính cả lượng cổ phiếu HPG do bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ. Trong tuần, giá trị lượng cổ phiếu này có thêm 155 tỷ đồng. Bà Hiền đang là cổ đông lớn của Hòa Phát.

{keywords}

Bầu Đức và bầu Long

Cũng là cổ phiếu ngàn thép được chú ý trong thời gian này, HSG tăng 4.800 đồng/CP lên 46.800 đồng/CP. HSG giúp ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có thêm 81,6 tỷ đồng.

Mặc dù không nối dài được đà tăng ấn tượng nhưng sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu MWG của công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vẫn duy trì được đà đi lên khá nhờ phiên tăng trần ngày 7/7. Phiên tăng trần này giúp MWG tăng 7.000 đồng/CP lên 130.000 đồng/CP dù trong tuần, MWG vẫn có vài phiên gảim giá.

Nhờ MWG, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có thêm 25,8 tỷ đồng. Với tài sản đạt 4.789 tỷ đồng, ông Tài vẫn ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.Sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu SSI tăng 2.100 đồng/CP lên 22.700 đồng/CP. SSI giúp ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn có thêm 105 tỷ đồng. Vị đại gia chứng khoán này đang đứng ở Top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuần này, mặc dù chỉ số VN-Index tăng mạnh và liên tục lập các kỷ lục mới nhưng cổ phiếu đại gia không nhận được lợi ích tương ứng. Bên cạnh một vài mã đi xuống như VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, đa số các cổ phiếu đại gia còn lại đều tăng khá nhẹ. Vì vậy, số tiền mà các đại gia Việt nhận được khá khiêm tốn hơn so với các tuần trước đây.

Sau 5 phiên giao dịch, FPT tăng 1.700 đồng/CP lên 43.600 đồng/CP. FPT mang tới cho ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty Cổ phần FPT 55,4 tỷ đồng. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT có thêm 28,9 tỷ đồng nhờ FPT.

Trong khi đa số các cổ phiếu đại gia tăng khiêm tốn, những cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán lại bứt phá đáng kể. Cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons giữ vị trí quán quân trong danh sách này.

Trong tuần, CTD liên tục lập các kỷ lục mới. Sau 5 phiên giao dịch, CTD tăng 14.000 đồng/CP. Đà tăng mạnh của CTD giúp vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons tăng 656 tỷ đồng lên 9.826 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã chứng tỏ được sức hút của mình khi tăng 14.000 đồng/CP. Nhờ BMP, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh có thêm 637 tỷ đồng.

Là cổ phiếu ít được biết đến nhưng MAS thường xuyên giao dịch ở mức giá cao ngất ngưởng. Tuần này, dù đà đi lên của MAS khiêm tốn hơn so với BMP và CTD nhưng MAS vẫn tăng 5.800 đồng/CP lên 152.800 đồng/CP. MAS giúp vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng tăng 17,5 tỷ đồng lên 460 tỷ đồng.

Đứng ngay sau MAS là VCF của Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa. Tuy nhiên, khác với CTD, BMP hay MAS, VCF lại đi lùi. Sau 5 phiên giao dịch, VCF giảm 2.000 đồng/CP xuống 140.000 đồng/CP. VCF khiến vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa giảm 53 tỷ đồng.

(Theo VTC)