Năm 2016 đã khép lại, chứng kiến một phong trào khởi nghiệp (start-up) bùng nổ chưa từng có. Số DN thành lập mới lập kỷ lục. Các hội thảo, tọa đàm, chương trình truyền thông cho start-up phủ sóng từ Bắc chí Nam, những gương mặt start up triển vọng lần lượt xuất hiện với những kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Khát vọng start-up

Tháng 10/2016, đứng trước hàng nghìn bạn trẻ trong lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này”.

{keywords}
Một phong trào start-up mạnh mẽ đã được thổi bùng lên.

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đã thực ra tạo ra một niềm tin mãnh liệt trong giới start-up. Niềm tin ấy còn được nhân lên khi Chính phủ liên tục chỉ đạo quyết liệt cắt bỏ giấy phép con trái luật, sửa đổi những điều kiện kinh doanh không phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh của DN.

Những động thái ấy đã tạo được niềm tin trong cộng đồng DN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp chưa từng có.

Một phong trào khởi nghiệp thực sự đã dấy lên. Số DN thành lập mới lập kỷ lục. Những gương mặt start-up đầy triển vọng lần lượt xuất hiện với những kế hoạch đầy tham vọng.

“Thời gian qua chúng tôi đã đầu tư hơn 15 tỷ để nghiên cứu và sản xuất một loại giày thông minh sShoe. Số tiền ấy chúng tôi đầu tư vào công xưởng sản xuất với các loại máy móc có công nghệ mới nhất, thậm chí còn mới hơn các thiết bị ở công xưởng gia công của Nike hay Adidas” , ông Phí Hữu Thanh Long, Giám đốc thương hiệu giày sShoe hào hứng tiết lộ.

Giải thích về khái niệm “giày thông minh” này, ông Long cho hay, giày sShoe có kiểu dáng như một đôi giày Tây lịch sự sang trọng kết hợp với sự êm ái, thoải mái của giày thể thao. Phom dáng của giày cũng được chúng tôi nghiên cứu trên loại khuôn Last giày của đàn ông Việt Nam để ra được mẫu phù hợp và thoải mái nhất cho đôi chân, chứ không như các đôi giày Tây thông thường có các phom dáng bó cứng chân, rất khó chịu khi di chuyển.

Bên cạnh đấy, đế giày của sShoe được ứng dụng công nghệ trên các loại giày thể thao, chất liệu đế rất nhẹ và êm chân, cấu trúc mặt đế áp dụng công nghệ hình học tăng trưởng để tăng cường tối đa độ linh hoạt khi di chuyển.

“Tóm lại, sShoe giúp người dùng có thể đi bộ thoải mái như trên các đôi giày running với ngoại hình của 1 đôi giày da cao cấp được gắn lên logo mạ vàng 24K”, vị này cho biết.

Những start-up như kể trên đang xuất hiện ngày một nhiều. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tích cực xây dựng Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có các quy định về hỗ trợ DN start-up, với những hỗ trợ về cơ chế, chính sách để mở đường cho cộng đồng start-up phát triển.

Không ngại thất bại

Thế nhưng, với một ý tưởng khởi nghiệp, không dễ gì để thành công ngay lần đầu tiên.

{keywords}
Những ý tưởng khởi nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện.

Giám đốc 1 DN start-up khác cho hay: “Để xây dựng được DN với hơn 100 lao động, doanh thu hàng chục triệu USD/năm như hiện nay, tôi mất 10 năm và… 10 cái sổ đỏ. Qua nhiều lần thất bại, tôi mới có thể xây dựng được một DN như bây giờ chứ không dễ dàng gì”.

Bản thân ông chủ của sShoe cũng đã từng nếm “trái đắng” cho quyết định đầy tham vọng của mình. Ông Phí Hữu Thanh Long kể: Đợt hàng đầu tiên của chúng tôi đã đặt gia công tại một xưởng đóng giày thủ công có tay nghề rất cao vì anh chủ ở đây là nghệ nhân làm giày đã có kinh nghiệm 20 năm, chuyên xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản. Thế nhưng kết quả không được như chúng tôi mong muốn. Vì sShoe là sản phẩm đặc biệt, không phải giày Tây cũng chẳng phải giày thể thao, mà những người thợ làm giày thủ công vẫn giữ thói quen làm giày truyền thống, nên chất lượng lô hàng đó không như ý. Chúng tôi phải hủy bỏ hoàn toàn đơn hàng với số lượng 500 đôi vì không đáp ứng được chất lượng như kỳ vọng.

“Chi phí cho đợt nghiên cứu và sản xuất đơn hàng này cũng lên tới 1 tỷ đồng và chúng tôi phải chấp nhận từ bỏ để nói “không “với những sản phẩm chưa đạt. Hiện tại, lô giày đó vẫn nằm trong kho và chúng tôi không hề bán ra thị trường vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu”, đại diện sShoe tiết lộ.

Dù là thương hiệu mới mẻ, nhưng đại diện sShoe cũng vẫn tự tin: Mục tiêu trong năm 2017 của chúng tôi là trở thành thương hiệu giày nam thông minh tốt nhất trong tâm trí khách hàng, mở các chuỗi cửa hàng sShoe ở các thành phố lớn và sẽ xuất hiện các TVC quảng cáo trên truyền hình.

Ông Long cũng khẳng định: Sứ mệnh của sShoe là giày nam thông minh nhất thế giới nên việc tham vọng ra thị trường quốc tế là hoàn toàn bình thường. 15 tỷ chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, nếu tín hiệu thị trường tốt, sShoe sẵn sàng huy động vốn đầu tư 100 tỷ đồng để chơi cuộc chơi lớn.

“Vươn ra quốc tế” chính là mục tiêu của nhiều DN start-up tràn trề khát vọng. Tại cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT cho rằng những người trẻ nên khởi nghiệp với nghị lực và quyết tâm lớn lao trong tâm thế hướng ra toàn cầu.

“Start-up thời gian qua chưa thành công như mong đợi, trong nhiều nguyên nhân thì có việc chúng ta quá tự ti, “choáng” trước ngưỡng cửa thế giới. Tiếc nhất là không có niềm tin…”, ông Bình chia sẻ.

Hoài Nam