Sau hơn 5 năm giữ chức Tổng giám đốc, ông Tống Quốc Trường đã giúp Vietlott trở thành một trong 5 công ty xổ số lớn nhất nước với doanh thu nghìn tỷ mỗi quý.

Tháng 11/2011, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt đề án thành lập Công ty Kinh doanh Xổ số tự chọn số điện toán Việt Nam. Một tháng sau, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) chính thức ra đời.

Vào giai đoạn đầu tiên này, ông Tống Quốc Trường (cựu Tổng giám đốc vừa từ chức của Vietlott) chính là một trong 4 thành viên đầu tiên đặt nền móng xây dựng công ty. Ông cũng chính là Tổng giám đốc đầu tiên của Vietlott cho tới nay.

Hơn 5 năm đảm nhận chức vụ cao nhất trong ban lãnh đạo Vietlott, ông Trường đã giúp công ty xổ số này từ một đơn vị mới thành lập trở thành một trong 5 công ty xổ số lớn nhất trên cả nước.

{keywords}

Nguyên Tổng giám đốc Vietlott Tống Quốc Trường. Ảnh: Vietlott.

Thành lập từ năm 2011, nhưng phải gần 5 năm sau, đến tháng 7/2016, Vietlott mới phát hành những chiếc vé số tự chọn đầu tiên của mình với loại hình Mega 6/45. Những năm trước đó, công ty chưa có doanh thu phát sinh từ phát hành vé số. Tất cả doanh thu đến từ hoạt động tài chính.

Cụ thể, năm 2014, hầu hết tài sản của Vietlott được mang đi đầu tư tài chính, giúp công ty thu về hơn 23,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí quản lý, công ty thu về 829 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Đây cũng là khoản lợi nhuận đầu tiên Vietlott thu kể từ khi thành lập.

Năm 2015, công ty cũng thu về gần 19 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và báo lãi ròng 65 triệu đồng. Đến tận giữa năm 2016, doanh nghiệp vẫn chưa có doanh thu từ hoạt động phát hành xổ số, lỗ ròng gần 4 tỷ đồng.

{keywords}

Từ tháng 8/2016, khi loại hình xổ số tự chọn Mega 6/45 phát hành, lần đầu tiên Vietlott phát sinh doanh thu từ xổ số. Năm 2016 cũng đánh dấu tổng tài sản công ty tăng một mạch hơn 3 lần, lên gần 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hầu hết tài sản của Vietlott lại được mang đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Cụ thể, cuối năm 2016, Vietlott mang hơn 600 tỷ đồng, tương đương 60% tổng tài sản đi gửi tiết kiệm dưới 3 tháng tại ngân hàng thương mại, với lãi suất 4,2-5,2%/năm.

So với đầu năm, số tiền gửi này đã tăng gấp 17 lần.

Công ty còn có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 283 tỷ đồng. Đây cũng là các khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại với kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, lãi suất 5,44-6,31%/năm.

Tổng cộng, doanh nghiệp đã mang tới 88% tổng tài sản của mình đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Tuy nhiên, việc ra mắt loại hình xổ số với mức trao thưởng cao gấp nhiều lần xổ số truyền thống, Vietlott nhanh chóng tạo cơn sốt trong thị trường xổ số, đặc biệt là khu vực phía Nam.

{keywords}
Ảnh:

Chỉ trong 4 tháng cuối năm 2016, doanh thu trước thuế từ hoạt động phát hành xổ số của Vietlott đạt gần 1.600 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu chưa có thuế hoạt động kinh doanh đạt 1.223 tỷ đồng. Mang 88% tài sản đi gửi ngân hàng cũng giúp công ty thu về 22 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2016.

Sau khi trừ thuế và các chi phí quản lý, vận hành liên quan, công ty báo lãi ròng 86 tỷ đồng trong năm 2016, gấp 1.300 lần so với năm trước đó.

Giai đoạn cuối năm 2016 và đầu 2017, Vietlott trở thành hiện tượng xổ số khi liên tiếp trao những giải thưởng trị giá hàng chục cho tới hơn trăm tỷ đồng cho nhiều người may mắn.

"Người người, nhà nhà chơi Vietlott" là cụm từ nhiều người nhắc tới khi được hỏi về loại hình xổ số mới này.

Vietlott phát triển mạnh tới mức, hàng loạt công ty xổ số truyền thống lớn phải nêu trong các báo cáo, rằng kết quả kinh doanh đã bị ảnh hưởng lớn do sự bùng nổ của Vietlott trên thị trường.

{keywords}

Từ đầu năm 2017 đến nay, doanh nghiệp thu về tổng cộng 3.485 tỷ đồng doanh thu từ phát hành xổ số. Đây là con số cao ngất ngưởng so với những ông lớn xổ số truyền thống khác như Xổ số kiến thiết TP.HCM, Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, Trà Vinh…

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Vietlott đạt 1.522 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó phần lớn là từ xổ số. Công ty cũng có thêm 14,5 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, là các khoản tiền lãi thu được từ tiền gửi tại ngân hàng. Đặc biệt, nhờ việc một vé số trúng thưởng giải Jackpot không có người đến nhận giải đã giúp doanh nghiệp ghi nhận thêm 39,4 tỷ đồng lợi nhuận khác vào kết quả kinh doanh.

Tổng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 mà Vietlott thu về lên tới 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ đồng.

Nếu so với các công ty xổ số truyền thống lớn trên thị trường về cả quy mô và doanh thu, công ty này hiện tại đã đứng vào top 5 doanh nghiệp xổ số lớn nhất nước.

Đến cuối tháng 9, Vietlott đã triển khai kinh doanh tại 24 tỉnh, thành phố cả nước với hai loại hình xổ số.

Trước khi trở thành Tổng giám đốc Vietlott, ông Tống Quốc Trường là Tổng giám đốc Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) từ năm 2008 đến 2010. Không lâu sau khi ông Trường rời vị trí Tổng giám đốc PVFC, công ty này đã hợp nhất với WesternBank và đổi tên thành PVComBank.

Trong quãng thời gian làm Tổng giám đốc tại PVFC, ông Trường cũng giúp công ty này trở thành công ty tài chính có tổng tài sản và dư nợ cho vay thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, ngang ngửa với nhiều ngân hàng thương mại khi đó.

Trong nhiều năm, tổng tài sản của PVFC tăng nhanh hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó hầu hết tăng nhờ hoạt động cho vay. Doanh thu mỗi năm đều đạt hàng nghìn tỷ đồng và báo lãi ròng hàng trăm tỷ.

Ông Trường cũng là người đặt nền móng cho việc niêm yết cổ phiếu của PVFC trên sàn chứng khoán vào năm 2008. Tuy nhiên, khi kế hoạch hợp nhất với WesternBank thông qua, toàn bộ cổ phiếu PVF bị hủy niêm yết.

(Theo Zing)