Việc UBND tỉnh Đồng Nai vừa quyết “đuổi” ụ nổi 83M ra khỏi cảng Gò Dầu càng khiến số phận của khối tài sản từng có giá tới 9 triệu USD thêm bất định.

Ụ nổi ở chẳng được...

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công vừa có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện các đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai về việc bồi thường thiệt hại do ụ nổi 83M gây ra, di dời ụ nổi ra khỏi vùng nước cảng Gò Dầu.

Muốn di chuyển sang vị trí khác, ụ nổi 83M cần tới ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị Vinalines khẩn trương chỉ đạo Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY- đơn vị quản lý ụ nổi 83M) phải sớm làm việc cụ thể với Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai để thanh toán các khoản chi phí liên quan.

Bên cạnh đó, Vinalines phải phối hợp với cảng Đồng Nai và các đơn vị liên quan xây dựng phương án di dời ụ nổi 83M ra vị trí khác, đảm bảo an toàn neo đậu cho ụ nổi và an toàn hàng hải cho khu vực cảng Gò Dầu.

{keywords}
Muốn di chuyển sang vị trí khác, ụ nổi 83M cần tới ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa

Được biết, ngày 20/11/2014 là thời hạn chót để Vinalines di dời khối tài sản đã nằm vạ vật tại cảng Gò Dầu nhiều năm qua. Trước đó, vào cuối tháng 10/2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT phản ánh việc VNLSY ký hợp đồng thuê bến neo đậu và cung cấp tàu lai trực sự cố ụ nổi 83M tại cảng Gò Dầu với Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Đồng Nai và Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai trong 2 năm (từ ngày 24/11/2008 đến ngày 24/11/2010). Sau đó, hợp đồng này được gia hạn đến ngày 31/12/2012.

Chỉ tính khoản chậm thanh toán tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M mà VNLSY nợ chủ cảng từ tháng 12/2010 đến ngày 1/1/2013 đã lên tới gần 30 tỷ đồng.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam đã dừng thực hiện và VNLSY cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 5/2011. Ngay sau khi VNLSY ngừng hoạt động, phía chủ cảng đã có nhiều văn bản yêu cầu thanh toán công nợ và đề nghị cho di dời ụ nổi 83M ra khỏi khu vực và bàn giao lại bến phao.

Trong khi chưa được di dời thì ngày 12/7/2014, ụ nổi 83M bị trôi dạt do thủy triều xuống, kéo gãy trụ buộc dây neo tại cầu cảng B3. Sau sự cố này, Cảng Đồng Nai yêu cầu bồi thường hơn 765 triệu đồng để thi công lại trụ buộc dây neo và buộc di dời ụ nổi 83M ra khỏi cảng Gò Dầu.

“Cho đến nay, các nội dung trên vẫn chưa được giải quyết và ụ nổi 83M vẫn nằm trong vùng nước cảng Gò Dầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm rằng, ngày 23/9/2014, Cảng Đồng Nai khởi công xây dựng bến tàu 30.000 DWT tại cảng Gò Dầu nhằm phục vụ cho quá trình khai thác bauxit. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực kinh doanh và an toàn trong thi công, UBND tỉnh Đồng Nai buộc phải đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines di dời ụ nổi ra khỏi cảng Gò Dầu để lấy công địa mở rộng cảng.

... mà đi cũng không xong

Được biết, ngay cả khi chấp thuận yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai, việc di chuyển ụ nổi M83 ra khỏi cảng Gò Dầu hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.

Theo báo cáo mới nhất của Vinalines, ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đã bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011. Để ụ nổi đủ điều kiện khai thác hoặc di chuyển sang vị trí khác, đơn vị quản lý phải bỏ ra ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa.

Do nợ Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai gần 30 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố từ tháng 12/2010 đến ngày 1/1/2013, nên ụ nổi 83M đã bị cắt điện từ đầu năm 2013.

“VNLSY đã cố gắng đàm phán, thuyết phục cảng Gò Dầu cấp lại điện chiếu sáng cho ụ nổi để đảm bảo an toàn, nhưng không được chấp thuận”, ông Lê Triêu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Phía VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “xấu nhất” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại. Đối với đề nghị của Cảng vụ cảng Đồng Nai về tăng cường phương tiện lai dắt, VNLSY cũng đã liên hệ với nhiều đối tác để đàm phán thuê 2 tàu lai trực sự cố, nhưng đều bị từ chối, vì đơn vị quản lý ụ nổi không có bất cứ nguồn tài chính nào để thanh toán.

Được biết, mặc dù được đánh giá là mua hớ, nhưng số phận của ụ nổi 83M không chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi 83M.

Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do ụ nổi M83 hiện vẫn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Bộ GTVT xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines.

Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 cần phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.

Điều khó hiểu là, tại phiên toà sơ thẩm (tháng 12/2013) và phúc thẩm (tháng 5/2014), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C48) đã xác định, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Vinalines, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, ụ nổi không có trong danh mục vật chứng của vụ án.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các bước đi cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này”, ông Thanh đề nghị.

(Theo Đầu tư)