Chỉ là cổ đông và không nắm giữ chức vụ trực tiếp nào trong bộ máy điều hành của công ty, nhưng Nguyễn Ngọc Huyền My là "chủ nợ" của khoản tạm ứng hàng trăm tỷ đồng với QCG.
Trong nhiều năm gần đây, báo cáo tài chính của công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục có giao dịch chéo với các cổ đông và người liên quan với công ty, dưới hình thức chi và nhận tạm ứng.
Theo báo cáo quý III/2014, một trong những "chủ nợ" lớn nhất của công ty này là 9X Nguyễn Ngọc Huyền My, em gái ông Nguyễn Quốc Cường và con gái chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan, khi cổ đông này đang duy trì giao dịch trị giá hàng trăm tỷ đồng với công ty.
Cụ thể, QCG đang nhận tạm ứng số tiền gần 300 tỷ đồng của Nguyễn Ngọc Huyền My. Cổ đông này cũng đã tạm ứng hơn 2,26 tỷ đồng với công ty để mua bất động sản. Số tiền tạm ứng mua bất động sản này đã giảm một nửa so với năm 2013. Tuy nhiên, giao dịch mua bán cụ thể lại không được giải trình chi tiết trong báo cáo tài chính.
Không nắm quyền điều hành nhưng 9X Nguyễn Ngọc Huyền My đang là có giao dịch hàng trăm tỷ đồng với Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: FBNV. |
Ngoài ra, trong nghiệp vụ với các bên liên quan, tại khoản mục các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn, công ty này cũng có khoản phải trả lên tới 390 tỷ đồng cho bà Huyền My. Đây cũng là cổ đông có giao dịch tạm ứng lớn nhất với QCG, vượt qua cả chủ tịch Như Loan, chiếm gần 37% tổng giá trị khoản phải trả ngắn hạn của công ty với các bên liên quan tính đến hết tháng 9/2014.
Thực tế, các giao dịch với bên liên quan, cổ đông của công ty này đã từng xuất hiện trong báo cáo soát xét của công ty từ năm 2012, và Chủ tịch QCG cũng đã từng có văn bản giải trình về những khoản mục này. Theo điều lệ QCG, công ty không được phép cấp các khoản vay, bảo lãnh hoặc tín dụng cho các thành viên HĐQT, tổng giám đốc, cán bộ quản lý và gia đình của họ, hoặc pháp nhân mà những người này có các lợi ích tài chính, trừ khi ĐHCĐ có quyết định khác.
Văn bản giải trình khi đó của bà Như Loan gửi lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, trong điều kiện kinh doanh năm 2012, công ty không thể không có những phát sinh này, và chúng đều có đủ tính pháp lý để thực hiện. "Khi công ty có nhu cầu về vốn thì các thành viên này hỗ trợ, khi công ty thừa vốn thì sẽ chuyển trả lại và có khi vượt số phát sinh phải trả".
Thời điểm đó, QCG đã có cam kết sẽ thực hiện bảo lãnh các khoản vay với các bên liên quan và xử lý trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cho đến những quý cuối của năm 2014, công ty này vẫn ghi nhận khoản phải trả do đã nhận tạm ứng của các bên liên quan, cổ đông và cả Chủ tịch công ty số tiền lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
(Theo Zing)