Để có hàng cung ứng đều đặn cho các đại lý, nhiều lò làm mít múi tại Đắk Lắk đã sử dụng các loại hóa chất, phân bón lá để tiêm, đổ trực tiếp vào trái làm mít chín siêu tốc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mít non + hóa chất = mít chín
Tại các huyện Krông Pắk, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) có hàng trăm cơ sở làm mít múi. Về quy trình, chủ lò thường đánh xe tỏa đi khắp tỉnh để thu gom mít trái xanh, thậm chí mít non tại vườn với giá từ 5.000-7.000 đồng/trái, sau đó mang về nhà ủ chờ mít chín rồi xẻ lấy múi mang đi bỏ mối cho các đại lý.
Trong vai người đi làm đại lý bán mít, chúng tôi đã xâm nhập những cơ sở chế biến mít chín “siêu tốc” này. Hỏi công nghệ làm mít múi, T. (chủ cơ sở làm mít ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) hếch mép: “Bây giờ làm mít phải có thuốc. Ủ không thuốc thì biết bao giờ mới chín, làm ăn như vậy lỗ chết. Có thuốc vô 1 - 2 ngày là mít chín liền”. Loại thuốc làm mít chín siêu tốc mà ông T. sử dụng nhiều năm qua có tên là “Hoa quả thúc chín tố”, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mỗi gói thuốc có 20 ống típ, kích thước to bằng ngón tay út, chiều dài khoảng 2cm. Hỏi cách sử dụng, ông T. bày: “Pha 6 ống hóa chất vào chai nước loại 500ml. Sau đó lấy cây sắt nhọn dùi một lỗ trên trái mít rồi đổ hóa chất vào”. Với cách làm này, mỗi ngày ông T. cho ra lò khoảng 100kg mít.
Chủ lò mít tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk bơm thuốc ép chín vào trái mít. |
Có mặt tại lò làm mít của C. (ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar), chúng tôi thấy 3 nhân công đang hì hục bóc mít thuê. “Công trường” làm mít là bãi đất trống được che phủ bởi lùm cây, cách đó 4m là chỗ nhốt con bò bị bệnh. Việc chế biến mít được tiến hành ngay trên nền đất bụi bẩn, nhớp nháp. Mít trái, múi, vỏ, hạt, xơ, cùi… nằm ngổn ngang khắp mặt đất. Rùng rợn hơn là những vỏ mít chín thối rữa chưa kịp dọn trở thành bãi đáp cho đám ruồi. C. tuyên bố, làm nghề mít nếu không dùng thuốc thì không trụ được, vì thế ai cũng phải dùng. Riêng C. đang sử dụng luân phiên 2 loại “thần dược” ép chín mít là “Hoa quả thúc chín tố” và “Chín trái”. Cách thức ép mít chín của C. cũng giống ông T. là khoét lỗ trên quả mít rồi đổ trực tiếp hóa chất vào. Trái càng non thì đổ càng nhiều. Mỗi ngày lò của C. sản xuất hơn 100kg mít múi.
Trong số 6 lò làm mít ở Krông Pắk và Ea Kar mà chúng tôi chọn ngẫu nhiên để xâm nhập, hầu hết đều có sử dụng thuốc ép chín sầu riêng để làm chín mít siêu tốc. Các chủ cơ sở tiết lộ đã mua loại “thần dược” trên tại các quầy bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Múi mít thành phẩm sẽ được cò thu mua, hoặc chính họ sẽ mang đến bán cho một đại lý tư nhân duy nhất chuyên thu mua múi mít ở huyện Ea Kar với giá 12.000 đồng/kg, sau đó đại lý sẽ sơ chế để mang đi tiêu thụ.
Nhắm mắt vì lợi nhuận
Trên bao bì loại thuốc “Hoa quả thúc chín tố” nêu rõ thuốc này “ít độc”, có công dụng: “Tăng chín nhanh cho hoa trái, quả tươi đẹp, cải thiện chất lượng hoa quả”, sử dụng cách thức pha lẫn hóa chất với nước theo tỷ lệ rồi phun đều lên bề mặt. Nhưng thực tế, nhiều cơ sở dùng dao hoặc thanh sắt dài đục lỗ trên thân trái mít rồi đổ hóa chất vào chứ không hề pha loãng nhằm làm thuốc thấm đều, mít nhanh chín hơn. Mít chín bằng “công nghệ” ép thuốc thường ít thơm, ít ngọt hơn so với mít chín cây. Nhiều chủ lò đã thấy mặt trái của việc sử dụng “thần dược” để ép chín mít nhưng vì lợi nhuận nên đành nhắm mắt. Đến cơ sở làm mít của C., chúng tôi thấy hai đống mít, một đống vừa vào thuốc để bán cho đại lý, đống mít còn lại không vào thuốc, chất đống giữa sân. Hỏi chuyện, C. phân bua: “Đống giữa sân để cho người thân, quen ăn nên không vào thuốc”. Phương án phun có ưu thế là nhanh, chỉ được áp dụng đối với những cơ sở làm nhiều mít. Ông T. (một cơ sở làm mít ở xã Ea Dar, huyện Ea Kar, thường sử dụng “Hoa quả thúc chín tố”), nói: “Gia đình chỉ sử dụng hóa chất trên để bôi lên cuống. Khoét lỗ đổ hóa chất vào thì sẽ ngấm vào múi, gây độc hại”.
Mang những tư liệu đã ghi nhận tại những cơ sở làm mít múi thủ công cho bà Nguyễn Thị Phương Lan (Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk) xem, bà khẳng định: “Những cơ sở sản xuất mít này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, người lao động không có đồ bảo hộ như bao tay. Mít đặt trực tiếp dưới tấm bạt, nền cáu bẩn. Nơi làm mít ở những bãi đất trống. Điều này sẽ tạo ra các mầm mống gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột”. Riêng việc sử dụng hóa chất không đúng như hướng dẫn trên bao bì, bà Lan cảnh báo: “Việc đổ trực tiếp hóa chất vào trái mít sẽ làm sản phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 10-2013, Thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã có quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sinh học HPH (TPHCM) về hành vi sản xuất phân bón “Trái chín” không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và buộc công ty thu hồi toàn bộ lô phân bón để xử lý theo quy định. Trước đó, đoàn thanh tra sở này đã kiểm tra, tạm giữ hơn 650 chai “Trái chín”- một loại dùng để ép chín sầu riêng được bày bán ở các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Krông Pắk do công ty này sản xuất.
Để làm rõ xem các loại “thần dược” “Hoa quả thúc chín tố”, “Chín trái” và phân bón lá HPC - 97- HXN… có nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN-PTNT hay không, chúng tôi tìm gặp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Ông Nguyễn Thế Ân, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, các loại thuốc trên nằm trong danh mục phân bón lá, muốn nắm rõ thì phải liên hệ Phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk. Nhưng ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nói: “Các đại lý phân bón sẽ có đầy đủ các hồ sơ sản xuất mà nhà sản xuất gửi đến, nên xuống đó đề nghị người ta cung cấp cho… Mình không thể trả lời nó được phép hay không được phép”!? |
(Theo SGGP Online)