Kinh đô thịt chó Nhật Tân (Hà Nội) từng tấp nập khách ra vào với hơn 50 nhà hàng, tuy nhiên đến nay điều đó chỉ còn là hoài niệm.
Vài năm trước, nhắc tới món thịt chó người dân Thủ đô lại nhớ ngay tới khu phố nổi tiếng Nhật Tân, nơi được mệnh danh là kinh đô thịt chó với 50 nhà hàng cùng hàng ngàn thực khách tấp nập ăn nhậu ngày đêm. Nhưng tới nay, quá khứ “huy hoàng” đó đã khép lại, thay vào đó là một Nhật Tân trầm lắng, không còn dậy mùi lá mơ và “mộc tồn” quen thuộc.
Lòng vòng qua mấy lần phố Nhật Tân, những dãy nhà cao tầng, biệt thự đắt tiền, những cửa hiệu rực rỡ sắc màu đã thay thế cho những dãy nhà hàng lá cọ với đặc sản thịt chó nổi tiếng bậc nhất Hà Nội xưa. Khó ai có thể hình dung, chỉ trong vài năm mọi dấu tích về kinh đô thịt chó nức tiếng này lại có thể biến mất nhanh như thế.
Tìm quán thịt chó Trần Mục, nơi mà dân nhậu Hà thành không ai không biết, vì nó là thương hiệu quá nổi tiếng, nhưng chúng tôi không thấy đâu cả, hỏi thăm ra mới biết quán này đã đóng cửa từ lâu.
Sau một hồi dò hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được tới nhà bà Nguyễn Thị Xìu, chủ quán thịt chó Trần Mục. Dò hỏi mới biết, khi đang làm ăn thuận lợi, quán thịt chó Trần Mục bỗng nhiên đóng cửa không bán nữa. Thay vào đó, giờ đây là địa điểm cho người khác thuê kinh doanh.
Tiếp chúng tôi, bà Xìu nhớ lại, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, cỏ cây lau lách, dân cư thưa thớt. Chồng bà, ông Trần Mục đã cắm một mảnh đất ven đê, dựng mái lều tranh, viết tên mình gắn với món thịt chó lên cái mẹt, rồi cắm triền đê. Không ngờ, quán lá ven sông giữa bốn bề lau lách, lại hấp dẫn thực khách đến vậy.
Khách tìm đến quán thịt chó Trần Mục ngày càng đông. Người Hà Nội tìm ta tận ngoại thành để hưởng hương đồng gió nội. Khách tỉnh xa qua cầu Thăng Long cũng dừng lại triền đê thưởng thức thịt chó Trần Mục, hít thở gió sông Hồng.
Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, nên ông Trần Mục phá căn lều nhỏ, dựng ngôi nhà hai tầng, rộng mấy trăm mét vuông.
Thời vàng son kéo dài suốt hai chục năm. Mỗi ngày quán Trần Mục đón 600 – 1.000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23 giờ đêm để phục vụ khách.
Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó.
“Tuy nhiên, sau này nhiều hộ dân không bán nữa. Chỉ còn gia đình tôi và một hai gia đình khác duy trì. Tuy nhiên, tuổi cao, các con ăn học đều có công việc khác ổn định rồi nên tôi cũng quyết định đóng cửa”, bà Xìu cho hay.
Chúng tôi có hỏi lý do vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân nổi tiếng vậy mà lại có thể biến mất nhanh chóng như thế, bà Xìu giải thích: “Cốt yếu vẫn là do vắng khách, ngày trước, thịt chó gần như độc quyền tại Nhật Tân. Nhưng bây giờ, khắp muôn nẻo đường Hà Nội đâu đâu người ta cũng thấy quán thịt chó, cứ tiện đâu là khách họ ghé vào ăn, làm gì có thời gian đi đến tận Nhật Tân để ăn thịt chó”.
Cách nhà hàng Trần Mục mấy trăm mét là nhà hàng Anh Tú béo. Quang cảnh ở đây đìu hiu như phiên chợ chiều. Đây là quán thịt chó cuối cùng còn sót lại tại Nhật Tân.
(Theo ĐSPL)