- Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu than cần quá nhiều giải pháp và cũng không thể ngay lập tức. Vì thế, nếu chỉ đơn thuần là giảm thuế xuất khẩu, là nửa vời.
Đề nghị giảm thuế xuất khẩu và tăng giá bán than
Mất hàng trăm tỷ vì than tồn kho
Cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho việc xuất khẩu than, trước đề nghị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Bộ Công Thương rồi Bộ Tài chính đồng loạt chấp thuận đề nghị giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống còn 10%.
Lý do được viện dẫn là giá xuất khẩu than giảm và xu hướng còn giảm bởi kinh tế thế giới chưa phục hồi, cung về than vẫn vượt cầu, nên cần giảm thuế xuất khẩu. Nhờ đó, Vinacomin mới thực hiện được nhiệm vụ xuất khẩu, giảm tồn kho than, đời sống của 110.000 người dân vùng mỏ sẽ không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho tập đoàn này giữ được hệ số tín nhiệm tốt... Và, cảnh báo rằng nếu cứ giữ mức thuế 20%, ngành than không thể xuất khẩu, càng không thể tái đầu tư... Rồi sau đó là lời hứa, khi thị trường phục hồi và giá than thế giới tăng thì sẽ tăng thuế xuất khẩu than trở lại. Thật là uyển chuyển.
Để thuyết phục hơn là lý do các nước sản xuất than lớn cũng đã quyết định giảm thuế xuất khẩu than. Indonesia (sản xuất khoảng 340 triệu tấn/năm, xuất khẩu khoảng 280 triệu tấn/năm) thuế xuất khẩu còn 0%; Australia (sản lượng tương đương Indonessia) thuế cũng 0%; Trung Quốc (sản xuất trên 3 tỷ tấn/năm, vừa xuất khẩu và nhập khẩu hàng trăm triệu tấn/năm), thuế xuất khẩu 10%; Mông Cổ thuế suất thuế xuất khẩu than tối đa không quá 7%; Nga 5%.
Vậy là, nếu đề nghị trên được chấp thuận, mũi tên sẽ nhằm trúng nhiều đích. Nhưng, suy xét đề nghị đó theo gốc độ dè xẻn tài nguyên, thấy không ổn.
1. Việc xuất khẩu than khó bởi nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì do giá thế giới giảm. Trước hết do nội tại ngành than. Hầm lò càng sâu, hun hút, nguy hiểm rình rập, than nhiệt lượng thấp chiếm tỷ trọng cao; quản lý lình xình; giá thành, lỗ lãi mù mờ. Hơn nữa, nền kinh tế lạm phát, vật giá leo thang, đầu vào của sản xuất, chi phí lưu thông của cả nước đều bị đội lên, chứ không riêng ngành than.
Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu than cần quá nhiều giải pháp và có chăng cũng không thể ngay lập tức. Vì thế, nếu chỉ đơn thuần là giảm thuế xuất khẩu, là nửa vời. Khó khăn của ngành than dù có nét riêng, nhưng cũng không vượt quá gay cấn của cả nền kinh tế, mà điều đó đã và đang được tầm vĩ mô quyết liệt tháo gỡ.
2. Cho rằng do tiêu thụ trong nước chậm, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu mới giải phóng tồn kho than, là kiểu "la làng", lạm dụng từ "tồn kho ứ đọng" của hàng hóa nói chung. Than moi từ lòng đất, chất bãi lộ thiên, thi gan cùng tuế nguyệt, không ôi thiu, chẳng bốc hơi, lo gì làm nhái, thậm chí nghe đồn có nước nhập than của ta về chôn chặt để dành. Vậy với ta, nếu tiêu thụ trong nước khó, xuất khẩu tắc chỉ cần điều chỉnh nhịp độ khai thác là ổn. Nếu chót đưa lên, cứ để chờ được giá sẽ bán, tương tự như phương sách thu mua tạm trữ lúa gạo. Nếu không để nó nằm yên, dành cho hậu thế. Và, do đang rối rắm thế này xin dừng các bước của lộ trình dự án Bể than đồng bằng sông Hồng.
3. Than - nguồn vàng đen của ta không vô tận, thậm chí đang vơi vì nó là loại nhiên liệu không thể tái tạo. Dù dự kiến sau năm 2015 mới phải nhập khẩu than, nhưng thực tế đã nhập rồi. Ngày 14//6/2011, hơn 9.500 tấn than từ Indonesia mà Vinacomin nhập về đã cập cảng Cát Lái, TP.HCM cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam. Vì vậy, việc xuất khẩu phải gắn với Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, không thể nói đẩy mạnh xuất khẩu than như với mặt hàng thông thường khác.
Khi chưa ngăn được nạn than thổ phỉ hãy đừng say sưa mở mang khai mỏ. Lúc chưa chặn đứng tệ xuất khẩu than lậu, được ví như 'con voi chui lọt lỗ kim", xin chớ sốt sắng xuất khẩu bằng được
4. Giả định giảm việc khai thác tại "thủ đô than" Quảng Ninh, môi trường, cảnh quan sẽ cải thiện ngay, Hạ Long - một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới sẽ sáng giá gấp bội. Khi đó, thử làm con tính sẽ biết ngay hiệu quả. Bài toán có thể chưa ra đáp số, nhưng chắn chắn tài nguyên sẽ được gìn giữ.
5. Tất nhiên, khi tiết giảm sản xuất và xuất khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đội ngũ thợ mỏ. Nhưng trong tình hình hiện nay, vô vàn doanh nghiệp khó khăn, hàng vạn công nhân đang lâm vào hoàn cảnh thiếu việc, mất chỗ làm, thu nhập còm, long đong ăn ở. Ở nhà thì dồn nỗi lo, đi làm tiếp sẽ góp cái đói, quay về cố hương biết làm gì khi ruộng vườn đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Vậy giải pháp đời sống cho công nhân mỏ cũng phải nằm trong gói giải pháp cho toàn bộ công nhân Việt Nam.
6. Còn cảnh báo rằng nếu không giảm thuế, khó khăn không được tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm của Vinacomin, xin đừng quá lo. Công luận không còn lạ lẫm về hiệu quả kinh doanh, chất lượng quản lý, vai trò dẫn dắt... của tập đoàn này.
7. Bằng sự sáng suốt, tầm nhìn xa, bấy lâu nay đã có chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, và được thể chế hoá trong "Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, tại phần định hướng phát triển ngành hàng, đã ghi rõ đối với "Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung): có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020" (than đá là mặt hàng đầu tiên trong danh mục thống kê của nhóm hàng này).
Lộ trình trên đã hiện thực vào năm 2011, xuất khẩu than được 15,9 triệu tấn, chỉ bằng 86,6% năm 2010 (gần 20 triệu tấn). 9 tháng 2011, xuất khẩu được 12,8 triệu tấn, trong khi 9 tháng 2012 chỉ có 10,7 triệu tấn, bằng 83,5%. Dù xuất khẩu than sa sút, nhưng xuất khẩu của cả nước luôn là điểm sáng của nền kinh tế khi năm 2011 tăng 34,2%; 9 tháng 2012 tăng 18,9% - cao hơn hẳn mục tiêu tăng trưởng của chiến lược nói trên.
Vì những lẽ đó không phải lăn tăn việc suy giảm xuất khẩu than, và vì thế không cần giảm thuế xuất khẩu.
Nguyễn Duy Nghĩa