Người đàn ông vừa xuất hiện cho rằng “kho báu” núi Tàu được chôn ở ba vị trí chứ không phải trên đỉnh núi như thông tin trước đây.
Sở VH-TT&DL đang chờ báo cáo của UBND xã Phước Thể để xem xét trình UBND tỉnh” - ngày 6-3, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, Tổ trưởng Tổ giám sát dự án thăm dò, khai thác tài sản nghi bị chôn giấu ở núi Tàu, xã Phước Thể, Tuy Phong, cho biết.
“Kho báu không nằm trên đỉnh núi”
Ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể, thông tin thêm:
Sáng 4-3, một người đàn ông (giấu tên) cư ngụ tại TP.HCM đến trụ sở UBND xã trình báo về việc mình có đầy đủ tài liệu, hồ sơ về “kho báu” núi Tàu (theo dư luận là chứa 4.000 tấn vàng do quân đội Nhật Bản chôn giấu sau Thế chiến thứ hai).
Đỉnh núi Tàu đang được hoàn thổ, san lấp các hố đào và những hố đánh mìn nham nhở. Ảnh: P.NAM |
Người này khẳng định hàng chục năm qua nhiều người đã sai lầm khi tập trung khai thác “kho báu” trên đỉnh núi Tàu.
Kỳ thực thì số lượng vàng khổng lồ được chôn giấu cách núi Tàu khoảng 1 km, có ba địa điểm và chỉ cách biển Phước Thể vài chục mét.
“Khi đi thực địa cùng tôi và đại diện công an, tư pháp xã, người này chỉ ra ba vị trí và cho biết “kho báu” được chôn ở độ sâu từ 7 đến 10 m, nằm dưới lớp bê tông dày khoảng bốn tấc.
Chúng tôi chỉ ghi nhận vì không có phương tiện kiểm tra. Riêng cá nhân tôi thì thấy chuyện này viển vông quá!” - ông Long chia sẻ.
Hơn 20 năm tìm kiếm ròng rã
“Kho báu” núi Tàu từng được ông Trần Văn Tiệp (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đeo đuổi hàng chục năm qua. Từ năm 1993 đến tháng 3-2015, ông Tiệp được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép và gia hạn nhiều lần để thăm dò “kho báu” nhưng không có kết quả.
Ngoài ông Tiệp, còn có ít nhất hai người nữa cho rằng mình đang nắm trong tay “mật đồ” của “kho báu”.
Cụ thể, ông Lê Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay), từng khẳng định vào năm 1987 ông đã có một số bằng chứng về việc quân đội Nhật chôn giấu kho báu tại núi Tàu trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Năm 1976, tỉnh Thuận Hải đã cho thợ lặn ra Cù Lao Câu cách núi Tàu hơn 3 hải lý tìm những con tàu Nhật Bản đắm dưới biển.
Kết quả những con tàu đắm ở vùng biển này đều rỗng ruột nên họ tin rằng sau khi bốc vàng lên đất liền, những con tàu vận chuyển được đánh đắm để giữ bí mật.
Với niềm tin như vậy, từ năm 2001 đến 2003, ông Hiền và ông Tiệp bắt tay nhau để biến ước mơ về “kho báu” thành sự thật nhưng đều thất bại.
Ngoài ra, tấm mật đồ “kho báu” còn có thêm một dị bản khác của anh TVA ngụ thị trấn Liên Hương (Tuy Phong).
Theo anh A., cha của anh là trung đội trưởng lính bảo an từng nhận lệnh dẫn trung đội của mình bảo vệ cho nhóm người Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống núi Tàu tìm “kho báu” vào năm 1971.
Đặc biệt, ông nội của ông từng là công nhân gác ghi của đề-pô xe lửa Vĩnh Hảo đã phát hiện ánh đèn sáng rực suốt 18 đêm trên đỉnh núi Tàu vào năm 1943.
Sau đó cả ông nội và người cha đã dẫn anh A. lên đỉnh núi Tàu để tự vẽ lại tấm bản đồ vị trí “kho báu”. Thật kỳ lạ là tấm bản đồ này gần như trùng khớp với vị trí khai thác chính và những tài liệu mà ông Tiệp có được.
Tuy nhiên, khi anh A. đề nghị trao tấm bản đồ, đổi lại anh được chia một phần “kho báu” thì ông Tiệp kiên quyết khước từ.
Đến nay anh A. vẫn cho rằng vị trí ông Tiệp đào là đúng nhưng cửa hầm sai bét do không căn cứ vào tấm bản đồ ba thế hệ của anh ta.
Những tưởng sau hàng chục năm dò tìm không kết quả, “kho báu” núi Tàu sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng với thông tin mà người đàn ông cung cấp ngày 4-3, một lần nữa câu chuyện “kho báu” núi Tàu lại nóng lên và chưa biết bao giờ kết thúc!
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, cho biết số tiền ông Tiệp ký quỹ 500 triệu đồng đang được dùng vào việc hoàn thổ, san lấp các hố đào và những hố đánh mìn nham nhở trên đỉnh núi Tàu.
(Theo PL TP.HCM)