Do tình trạng đất chật người đông, Hồng Kông (Trung Quốc) được đánh giá là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Trong bối cảnh đó,  nhiều người vẫn kiếm được lợi nhuận nhờ đầu tư vào những căn hộ bị đồn là “ma ám”.

Giá giảm một nửa vẫn có lãi

Sau nhiều lần được rao bán nhưng không có người hỏi mua, một căn hộ bị cho là “ma ám” ở thị trấn Tsuen Wan thuộc Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) cuối cùng cũng tìm được chủ nhân mới với giá giảm một nửa so với giá thị trường. Ông Chan Ying-kai, chủ sở hữu căn hộ trên và cũng là một người chuyên đầu tư những căn hộ “ma ám”, đã xác nhận vụ mua bán này và cho biết, giao dịch hoàn tất vào ngày 31-12-2015.

“Một cặp vợ chồng đã mua với giá 1,6 triệu đô la Hồng Kông (HKD)”, ông Chan nói. Như vậy, giá bán căn hộ có diện tích 35m2 này thấp hơn 54% so với giá giao dịch bình quân của thị trường bất động sản địa phương. Mặc dù vậy, ông Chan Ying-kai vẫn lãi 420.000 HKD sau khi bỏ ra số tiền 1,18 triệu HKD để mua nó hồi năm 2011.

{keywords}

Tòa nhà nơi có căn hộ bị đồn là “ma ám” vừa được bán

Việc bán căn hộ này không hề đơn giản và gặp nhiều gian nan. Ông Chan Ying-kai đã phải giảm giá hai lần so với giá đưa ra ban đầu là 2,2 triệu HKD. Lần đầu, giá bán căn hộ giảm xuống 1,8 triệu HKD, nhưng không có ai đoái hoài tới. Sau đó, ông Chan tiếp tục giảm giá xuống còn 1,68 triệu HKD. Cuối cùng, ông chấp nhận đề nghị của cặp vợ chồng trên với giá bán là 1,6 triệu HKD vào tối 31-12.

Sở dĩ căn hộ khó bán như vậy vì nơi đây từng xảy ra một vụ án mạng kinh hoàng. Vào năm 1996, một người đàn ông đã sát hại vợ, 3 người con và 2 người thuê nhà ngay tại căn hộ này bằng thuốc độc và khí gas. Chủ nhân căn hộ sau đó cho một phụ nữ thuê trong khoảng 5 năm nhưng người này mua được nhà và dọn đến nơi ở mới nên ông Chan quyết định bán căn hộ đi.

Khó ra khỏi danh sách “ma ám”

“Nói chung, phong thủy của những căn hộ “ma ám” thường không tốt. Nếu ai không tin vào phong thủy thì đó là lựa chọn của họ”, ông Wong Man-chiu, một thầy phong thủy nhận định. Ông Wong đã đến một số căn hộ “ma ám”, trong đó có hiện trường vụ giết người man rợ “Hello Kitty” trên đường Granville, khu Tsim Sha Tsui. Vào năm 1999, một phụ nữ trẻ tên Fan Man-yee bị bắt cóc và đánh đập tới chết vì nợ một khoản tiền nhỏ. Sau đó, nạn nhân bị phân thây, nhét vào trong một con búp bê Hello Kitty.

{keywords}

Nghi phạm trong vụ án mạng tại Hồng Kông năm 1996 khi bị cảnh sát bắt giữ

"Căn hộ trong vụ án mạng “Hello Kitty” cũng như những căn hộ ma ám khác trông rất âm u vì có ít ánh nắng Mặt trời chiếu vào. Những căn nhà nhỏ với phong thủy xấu này rất dễ dẫn đến những suy nghĩ đen tối, tiêu cực”, ông Wong đánh giá.

Một ngôi nhà được đánh giá là bị “ma ám” nhiều hay ít phụ thuộc vào việc nơi đó có người chết do tự tử, qua đời hay giết người rùng rợn. Một vụ án kinh hoàng không chỉ ảnh hưởng đến giá bán căn hộ đó, mà còn có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn căn hộ lân cận, thậm chí toàn bộ tòa nhà.

“Nếu một tòa nhà có 30 hoặc 40 tầng, nhiều khả năng tất cả căn hộ sẽ bị ảnh hưởng”, Jacklyn Pun Ka-Yan, giám đốc bán hàng tại đại lý nhà đất Many Wells nhận định. Thông thường người ta chỉ đề cập đến tầng mấy hay địa chỉ cả tòa nhà mà không nói rõ căn hộ bị đồn có “ma ám”.

Tuy nhiên, một khi bị đưa vào cơ sở dữ liệu, chủ sở hữu gần như ít có khả năng đưa căn hộ hay bất động sản đó ra khỏi danh sách “đen” này.

(Theo ANTĐ)