- Khu vực Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta, có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò mũi nhọn.

Vốn đầu tư vào Tây Nguyên liên tục tăng

Đánh giá về Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Nhận thức được vị trí chiến lược của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và cải thiện đời sống của nhân dân. Có thể kể đến Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 9) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Chính phủ. Các bộ, ban, ngành đã kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Nguyên, giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết của các vùng dân tộc thiểu số. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên; phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ nhiều chủ trương quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, nhà ở, việc làm, giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương trong khu vực và cả nước đã quan tâm liên kết, hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

{keywords}

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang thăm hỏi, động viên đồng bào nghèo Tây Nguyên

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2011 đến nay, vùng Tây Nguyên có 38 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD. Trong đó, Lâm Đồng đang đứng đầu vùng với 29 dự án và 74,9 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Đắc Lắc đứng thứ hai với 3 dự án đầu tư với tổng số vốn là 33 triệu USD, chiếm 27,1% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Đứng thứ ba là Gia Lai với 3 dự án và 7,6 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Hai tỉnh tiếp theo là Kon Tum và Đắc Nông với tổng số vốn đầu tư lần lượt là 3,2 triệu USD và 3 triệu USD. Đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại vùng Tây Nguyên: Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng này với 14 dự án và 38,6 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư của toàn vùng; Hà Lan đứng thứ hai với 3 dự án, tổng số vốn đầu tư là 26,2 triệu USD, chiếm 21,5%; Hồng Công (Trung Quốc) đứng thứ ba với 3 dự án và 19,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 15,9%. Tính đến hết năm 2014 đã có tổng số 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân 1 dự án là 5,5 triệu USD.

Ông Trần Việt Hùng cũng cho biết thêm, xét về lĩnh vực đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 tại Tây Nguyên thì lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất, với 16 dự án và 54,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 16 dự án với 20,1 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với tổng số vốn là 19,5 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.

Về tín dụng giúp Tây Nguyên phát triển, Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp tại Tây Nguyên đến nay đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên là hơn 11.000 tỷ đồng, với gần 517.000 hộ dân còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 228.000 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 45.500 lao động có việc làm, hơn 212.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học và hơn 323.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng...

{keywords}

Nhiều hội thảo, hội nghị được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức nhằm hiến kế cho kinh tế Tây Nguyên phát triển

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã chứng kiến sự kiện 8 ngân hàng thương mại (gồm LienvietPostBank, VietcomBank, VietinBank, AgriBank, BIDV, SHB, MB, SacomBank) ký kết với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: Thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,… “Những hợp đồng tín dụng giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là những minh chứng cụ thể về tiềm năng, thế mạnh của vùng. Có thể khẳng định, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục khơi dòng tín dụng để giúp Tây Nguyên phát triển từng ngày”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Nêu những con số minh chứng những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, TS. Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế T.Ư cho biết, từ 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội toàn vùng đạt 208 ngàn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 8,2 đến 11,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống 11,22% (năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng từ 1.506 ngàn đồng năm 2010 lên 2.799 ngàn đồng (năm 2014). GDP bình quân đầu người/ năm tăng từ 22,76 triệu đồng năm 2010 lên 32,2 triệu đồng năm 2014. Vùng Tây Nguyên đã hình thành được những ngành hàng nông nghiệp qui mô lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su..., đóng góp rất quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu, cũng như vị thế Việt Nam trên thế giới. Du lịch trong vùng cũng đã phát triển mạnh mẽ, với trung tâm là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và từng bước lan tỏa ra toàn Vùng, gắn với đặc sắc về tự nhiên, văn hóa đặc thù Tây Nguyên; Công nghiệp Tây nguyên từng bước phát triển, nhất là chế biến nông, lâm sản, gắn kết với vùng nguyên liệu nông nghiệp hình thành chuỗi giá trị hàng hóa ngày càng phát triển. Sự phát triển hạ tầng nội vùng, kết nối với các vùng khác ngày càng được hiện đại, nhất là việc khánh thành đường Hồ Chí Minh, kết nối Tây Nguyên với các tỉnh trong Khu kinh tế trọng điểm Phía nam.

Đời sống người dân thay đổi từng ngày

Đến các tỉnh của Tây Nguyên những ngày này chúng ta sẽ thấy được một sức sống mới của đồng bào các dân tộc sau những đau thương, đói nghèo của cuộc chiến tranh để lại. Tây Nguyên hôm nay đã bừng sáng, hòa nhịp với sự đổi thay của đất nước. Những đô thị mới mọc lên, các khu công nghiệp rộn ràng tiếng máy, đường đi lối lại thông thoáng, rộng đẹp. Những thành tựu đó thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

{keywords}

Đô thị, giao thông…vùng Tây Nguyên đang ngày càng được đầu tư, phát triển

Có thể nói, trong nhiều năm qua, khu vực Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, quản lý bảo vệ rừng, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Từ một địa phương thiếu lương thực, cái đói, cái rét và bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian dài, xã anh hùng Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) giờ đây đã trở thành vựa lúa của cả huyện. Bà con từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang trồng lúa nước, kết hợp phát triển chăn nuôi, được tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Mới đây, tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) qua Tây Nguyên và Bình Phước được nâng cấp, mở rộng từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 01 năm, tuyến đường huyết mạch không chỉ tạo diện mạo mới cho hạ tầng giao thông của khu vực Tây Nguyên mà còn là đòn bẩy phát triển kinh tế cho vùng đất vốn giàu tiềm năng này. Ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Kể từ khi tuyến lộ 14 hoàn thành, trong 5 tháng đầu năm 2015, chúng tôi đã thu hút rất nhiều dự án, trong đó có những dự án lớn với vốn đăng ký hàng trăm triệu USD và dự án của nước ngoài. Chẳng hạn như dự án điện năng lượng mặt trời của nhà đầu tư Hàn Quốc”. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được mở rộng, đồng thời triển khai nhiều dự án như sân bay Pleiku, các quốc lộ 20, 26, 28... sẽ đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế cho Tây Nguyên và các khu vực lân cận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên.

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế Tây Nguyên liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên. Sự phát triển toàn diện của các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Để đạt được những kết quả như trên, Ông Bảo cho rằng, có dấu ấn rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

“Để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong những năm tới, Tây Nguyên cần có sự lãnh đạo toàn diện và đầu tư tương xứng của Đảng, Nhà nước cả về chính sách và nguồn lực. Đồng thời, rất cần có sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước” Ông Bảo nhấn mạnh.

Thái Bình