Cứ nghĩ, rau trên rừng thì thiếu gì. Nhất lại là một nơi có đến hàng trăm loại rau như ở vườn quốc gia Xuân Sơn. Thế nhưng, công việc săn tìm các loại rau đặc sản lại không hề dễ dàng nếu không muốn nói là đầy nguy hiểm.

Kiêng hái rau vào mùng 1

Tôi có mặt ở vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) khi trời đã lập đông. Sương mù giăng kín bao phủ từ chân núi. Đây là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với tổng diện tích là 15.048 ha với hệ thực vật phong phú. Mục đích của tôi là tìm đến “vựa rau rừng” nổi tiếng cả nước với 132 loài mà nổi nhất là rau sắng.

Rau sắng ở đây được người dân gọi là rau mì chính. Nó có cái tên như vậy là vì khi nấu lên, không phải cho bất cứ thứ gia vị gì, bát canh cũng có vị ngọt lừ, xanh biếc. Trước đây, người dân dùng rau sắng làm thức ăn thường xuyên thay cho thịt cá. Khi cuộc sống khấm khá hơn, rau sắng trở thành thứ đặc sản, một món khai vị thanh thoát cho bất kỳ một bữa tiệc nhiều chất béo nào. Anh Nguyễn Văn Thông, Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Xuân Sơn cho biết, rau sắng là một loài rất “kỹ tính”. Thời gian sinh trưởng chậm, yêu cầu điều kiện tự nhiên, khí hậu khắt khe. Phải mất ít nhất là 3 năm từ lúc ươm hạt tới lúc cây trưởng thành mới cho rau để ăn. Khi mới trồng, cây rau sắng phải được một cây có tán lớn hơn che chở thì chúng mới sống được. Với những cây rau sắng trên rừng có kích thước cả một vòng người ôm thì không thể biết chính xác nó có tuổi đời là nhiêu. Những cây này có chiều cao lên đến 10m nên việc khai thác rau rừng không hề dễ chút nào.

Vô tình, ngày tôi có  mặt ở Xuân Sơn lại là vào ngày mồng 1 đầu tháng (theo âm lịch). Chuyến công tác của tôi phải kéo dài hơn dự tính do đến đây tôi mới biết được một tập tục là người dân ở đây không hái rau sắng vào ngày mồng 1 đầu tháng. Theo quan niệm của người dân Xuân Sơn, hái rau sắng vào đầu tháng là sẽ gặp rất nhiều chuyện xui xẻo trong tháng đó. “Nó giống như việc người xuôi kiêng không ăn thịt chó vào đầu tháng vậy. Vì thế bao giờ vào cuối tháng, mọi người cũng đi kiếm rau sắng nhiều hơn. Tích trữ rau sẵn trong nhà để ăn hết ngày mồng 1, có nhà còn kiêng cả mồng 2. Việc kiêng này xuất phát từ quan niệm đây là ngày linh thiêng của chúa rừng. Trong ngày này sẽ không có bất cứ hoạt động nào làm rừng bị “động”, như thế cuộc sống của người dân sẽ yên ổn”, anh Triệu Văn Kháng, xóm Cỏi, Xuân Sơn cho biết.

Xuyên rừng tìm rau

Chờ cho qua ngày “kiêng cữ”, tôi được anh Trần Văn Tâm là cán bộ của Vườn quốc gia Xuân Sơn dẫn vào rừng bắt đầu cuộc hàng trình “săn tìm” rau. Sương mù vờn cả dưới chân, con đường vào rừng dù đi được xe máy những cũng gập ghềnh khúc khuỷu đầy nguy hiểm. Anh Tâm cho biết, xã Xuân Sơn nằm trong lòng rừng. Người dân ở đây sống tự cấp tự túc dựa vào nguồn thực phẩm tự nuôi trồng và kiếm trong rừng. Rất nhiều hộ dân đã làm giàu nhờ việc chăn nuôi gà chín cựa, lợn lửng, trồng các loại rau rừng để bán cho người quen dưới xuôi. Sau khi gửi xe vào nhà một người dân, chúng tôi lặn lội vào rừng tìm rau. Bạn đồng hành của chúng tôi là một thanh niên 20 tuổi, thuộc từng vị trí của các cây rau trong rừng như lòng bàn tay mình. Cậu là Trần Văn Nhất (xóm Lấp, Xuân Sơn). 

Quả thực là khó khăn để phân biệt được cây nào là cây rau trong một cánh rừng bạt ngàn như vậy. Bạn đồng hành của chúng tôi thoăn thoắt rẽ rừng tìm đến một vài cây rau sắng là điểm đến quen thuộc của cậu. Trần Văn Nhất cho biết chúng tôi may mắn vì vào rừng sau mấy trận mưa. Thời điểm này rau thường non, có nhiều nhánh, vị ngọt mềm hơn so với những ngày nắng kéo dài. Sau mấy địa chỉ không thành công do lá rau hơi già, chúng tôi cũng gặp được một cây với đầy những búp non mới nhú. Cây rau sắng này cao khoảng 6 – 7m, đường kính thân khoảng 70cm. Nhất liền thoăn thoắt leo lên cây để hái những ngọn non nhất. Cậu dặn tôi đứng ở dưới đỡ, không được để rau rơi xuống đất, bị dập nát thì sẽ không ngọt nữa. Sau khoảng 2 tiếng vào rừng, thành quả của chúng tôi là một mớ rau sắng non mơn mởn.

Trên đường về Nhất bảo, thanh niên trong xóm giờ đi làm ăn xa hết rồi, em là người hiếm hoi ở lại làng. Từ năm 12 tuổi, cậu đã phải vào rừng tìm rau. Trong rừng có nhiều loại rau lắm. Rau sắng, rau dớn, rau bò khai, rau cải rừng… Mỗi buổi sáng vào rừng là có thể kiếm được 1 – 2kg rau sắng. Cậu bảo chưa bao giờ bị ngã khi đi lấy rau do đã quen với đường rừng rồi. “Vào mùa rau sắng ra quả, những chùm quả lủng lẳng như chùm nho rất đẹp. Năm ngoái em lấy được hơn một tấn quả. Vừa dùng để ăn, vừa để cho các cô chú kiểm lâm ươm trồng làm giống cây. Canh quả sắng non có màu xanh. Chỉ cần đun nước sôi, làm dập quả cho vào là có nồi canh ngọt lịm rồi”, Nhất cho biết.

Mong sớm quy hoạch

Trở về, tôi ngỏ ý muốn đi tìm một số loài rau khác, Nhất nhiệt tình dẫn tôi đi lấy rau dớn. Lội qua một đoạn suối khá sâu, chúng tôi sang một vạt rừng khác nhiều cây thấp um tùm. Nhất vạch tìm rau giống như người ta tìm con gì lẩn trốn trong các bụi rậm. Rau dớn trông giống như cây dương xỉ, có những đọt non vươn lên ở giữa khóm. Nhất cẩn thận ngắt những cành non mới nhú này cho vào rổ. Phải mất thêm một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi mới có được một bữa rau dớn đủ cho 4 người ăn. Trên đường về, chúng tôi còn tranh thủ hái được mấy nắm rau bò khai mọc ở bờ rào xung quanh trạm kiểm lâm. Chúng tôi trở về văn phòng Vườn quốc gia khi trời đã sập tối. Thành quả của chúng tôi là một bữa cơm toàn rau đặc sản.

Ông Trần Đăng Hùng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn cho biết, muốn được trải nghiệm hết hàng trăm loại rau ở đây thì phải dành cả tháng ăn rừng, ngủ rừng. Tất cả những loại rau ở vườn quốc gia đến giờ đều mọc tự nhiên. Người dân sống trong rừng được khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Riêng về rau sắng thì năm 2004, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã tài chợ 2,3 tỷ đồng cho Vườn quốc gia Xuân Sơn. Năm 2005, Ban Quản lý vườn quốc gia đã trồng thử nghiệm 50ha rau sắng và thu về 7 tấn quả chín (khoảng 140 triệu đồng) và dự kiến sẽ phát triển 100ha rau sắng, trung bình mỗi hộ dân sẽ trồng từ 0,5ha trở lên. Điều khiến ông Hùng trăn trở là việc quy hoạch các cùng trồng rau để làm kinh tế vẫn chưa thực hiện được. Việc mua bán mới chỉ được thực hiện bằng cách ai biết thì gọi điện đặt hàng, nhờ chuyển giúp chứ không có hệ thống bán hàng, nguồn hàng cũng không liên tục… Hy vọng thời gian tới, sẽ có những khu trồng rau rừng theo quy hoạch để phục vụ thị trường.

Cây rau sắng là loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Trong 300 loài cây có thể làm rau ở Vườn quốc gia Xuân Sơn thì cây rau sắng là cây quý nhất. Hiện tại giá 1kg rau sắng trên thị trường khoảng 350.000 đồng/kg nhưng cung luôn không đủ cầu. Do lợi thế về độ ẩm, độ cao, thổ nhưỡng, Vườn quốc gia Xuân Sơn có mật độ rau sắng mọc tự nhiên cao nhất Việt Nam. Ngoài giá trị về kinh tế, đây là cây đặc sản, dược liệu (chữa bệnh rất tốt), cây rau sắng là cây gỗ sống vài trăm năm có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan môi trường cho Vườn quốc gia.


(Theo KHĐS)