Cho vay tiêu dùng (CVTD) ngày càng hấp dẫn khách hàng thu nhập vừa và thấp khi mà chỉ cần giấy tờ tùy thân, trong thời gian giải ngân “siêu tốc” khách hàng đã có thể mua trả góp xe máy, mua sắm đồ điện tử gia dụng…

Đáp ứng phần lớn nhu cầu chi tiêu

Trái với dịch vụ vay thế chấp, dịch vụ CVTD hiện nay nở rộ và rất được các khách hàng có thu nhập vừa và thấp ưa chuộng. Một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức vay tiêu dùng từ các CTTC bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân (CMND và hộ khẩu hoặc bằng lái xe) với thời gian giải ngân “siêu tốc”, thậm chí chỉ trong vòng 30 phút.

{keywords}

Đặc biệt, các công ty cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để khách hàng có thể lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ mà mình có thể cung cấp để chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ, như bảng trả lương hàng tháng, hóa đơn điện, nước…

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, các CTTC hiện đang tập trung chủ yếu vào 3 dòng sản phẩm “hot” là cho vay mua xe máy, mua sắm đồ điện tử gia dụng và cho vay tiền mặt. Các sản phẩm này đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu chi tiêu, mua sắm của khách hàng. Tất cả các khoản vay, kể từ 1-2 triệu đồng tới vài chục triệu đồng đều được đáp ứng nhanh gọn.

Là một khách hàng thường xuyên lựa chọn phương thức mua hàng trả góp thông qua các CTTC, anh La Duy Khang (24 tuổi, nhà ở Quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi vay trả góp để mua điện thoại với mức hàng tháng phải trả hơn 800.000 đồng. Trước kia, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ vay trả góp vì sợ thủ tục phức tạp và ngại khoản tiền đóng hàng tháng. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, tôi thấy mức trả hàng tháng rất phù hợp với thu nhập của mình.

Vay ở Home Credit cũng tiện lợi, chỉ cần CMND và bằng lái xe là đã có được món hàng mong muốn. Vay không thế chấp, thủ tục, giấy tờ lại nhanh chóng, thì lãi suất như hiện nay là điều dễ hiểu. Nếu đi vay tín chấp ở ngân hàng, lãi suất vay cũng xê xích như thế”.

Thị trường rộng mở

Trong những năm qua, hoạt động CVTD tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các CTTC.

Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ CVTD ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ CVTD mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, CVTD ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ CVTD năm 2015 đã tăng trưởng rất mạnh so với cuối năm 2014. Cụ thể, tính đến tháng 9/2015 tổng dư nợ CVTD đã tăng tới 31,49% so với thời điểm 31/12/2014,trong khi 9 tháng đầu năm 2014 mới chỉ tăng 13,14%.

Theo các chuyên gia kinh tế, với sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ CVTD của các CTTC như hiện nay, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất chính là người tiêu dùng.CVTD giúp người dân kết hợp nhu cầu hiện tại với khả năng thanh toán trong tương lai. Mặt khác, sự ra đời của hình thức này đã kích thích sức mua của người dân, đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và buộc nhà sản xuất phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Hiện tiềm năng tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn với trên 90 triệu người, trong đó 51,6% là dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động. Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), hiện có gần 16 triệu người Việt Nam thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập để trở thành khách hàng của tín dụng tiêu dùng.

Đánh giá về thị trường CVTD, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, cho rằng thời điểm này cũng như trong tương lai, tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh bởi các CTTC phải tăng cạnh tranh để đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất thấp hơn thông qua việc kết hợp tiêu thụ sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh với các nhà sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, để thị trường này phát triển đúng hướng, thời gian tới, cần xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, theo hướng khuyến khích phát triển mảng hoạt động CVTD với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống nhân dân.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: “Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thu nhập dân cư tăng, tầng lớp trung lưu nổi lên, cơ cấu dân số trẻ… thì ai cũng thấy nhu cầu và tiềm năng của thị trường CVTD là rất lớn”.

Nguyễn Quân