Năm 1992, giá vàng chỉ hơn 400.000 đồng/chỉ trong khi chưa đầy 50 kg lá tre của bà Đặng Thị Triệu (An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) bán giá 14.000 đồng/kg, thu về 700.000 đồng.

Mới học hết lớp bổ túc lớp 3, chữ viết còn nguệch ngoạc trên giấy nhưng ít ai biết trong đầu bà Triệu "có sỏi". Đầu năm 1992, trong một lần đi làm ruộng, bà bắt gặp một thương lái hỏi có bán lá tre không. Bà thấy lạ nên hỏi tường tận và sang xã trên tham khảo khi thấy người dân sáng nào cũng đi thật sớm, đến tối về họ chằng theo sau một tải to. Hỏi ra mới biết đấy lá tre hay còn gọi là lá bương được hái trên rừng.

Thấy dân xóm trên, nhà nào đi hái lá tre cũng đủ cơm ăn, áo mặc. Bà Triệu lên đó học nghề, rồi liên hệ được với chủ thu mua ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Sau hơn 1 năm, bà Triệu ngừng hái lá và thu mua lại của bà con trong xóm và các tỉnh lân cận để cung cấp cho cơ sở này.

{keywords}

Người "biến lá tre thành vàng".

Trong đầu người đàn bà "điên" có "sỏi"

Lá tre được phân loại A, B với cấp độ lá xấu đẹp khác nhau. Với bản tính chân thật, sòng phẳng của người nông dân, bà Triệu có sao bán vậy nên được chủ thu mua rất tin tưởng. Lá tre được phân loại rồi buộc thành từng khối lớn, bên ngoài bọc chiếc bao tải có ghi tên “Triệu”. Lá tre bà Triệu được uy tín đẹp và đạt tiêu chuẩn nên được chủ mua gốc ở Đài Loan tìm về tận nhà để mua lá, xuất trực tiếp sang nước ngoài. Từ đó, bà Triệu ngừng cung cấp cho những người ở Đoan Hùng mà bán thẳng cho chủ Đài Loan.

Ngày ấy chưa có máy sấy, bà đi thu mua lá tre về rồi phơi khô ở sân. Nhiều lần giông tố, gió to, lá tre khô bay mất một nửa, kịp chạy được ít thì lá rách tả tơi. Rồi những ngày mưa gió triền miền, bà Triệu cứ nhìn đống lá tre chất ngồn ngộn trong nhà mốc dần và rươm rướm 2 dòng lệ.

Năm 1999, nhờ sổ nhà nghèo bà Triệu làm thủ tục lên xã xin vay được 500.000 đồng về đầu tư. Bà đi khắp các nơi để thu mua lá tre, từ trong làng ngoài xã, rồi sang cả mạn Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), lên tận vùng Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang để thu mua. Đống lá tre chất trong nhà mỗi ngày một cao lên, thậm chí không có lối đi lại.

Khi ấy, dân làng bảo bà bị điên, làm ăn vỡ nợ, thua lớn vậy mà vẫn đâm đầu gom hàng. Nhưng nhìn cái nghèo đeo đẳng và đàn con 4 đứa nheo nhóc, bà đánh liều. Khi ấy đống nợ lên đến mấy chục triệu đồng, tưởng chừng bà phải bán nhà đi. Nhiều bữa cơ cực, chồng bà Triệu còn van nài vợ: “Thôi thôi, bỏ cái nghề này đi không thì bán cả nhà cả cửa”. Nhưng bà Triệu không nghe, chồng bà còn đòi làm đơn ly dị.

{keywords}

Lá tre được xuất khẩu sang nước ngoài.

“Bần cùng quá nên hóa liều”, bà Triệu uống ngụm trà cho biết. Những năm 2000, ai cũng nhắc đến bà Triệu điên lá tre. Tuy nhiên, bà Triệu bỏ ngoài tai dư luận, việc mình làm mình cứ làm. Bà đến tận cơ sở thu mua lá tre của người Đài Loan ở Phú Thọ, sau đó học hỏi công nghệ sấy khô, ép lá bằng máy, bí quyết làm lá đủ độ dai mà không bị mốc. Sau đó, ngày đêm bà Triệu vay chạy tiền để đầu tư mua thiết bị máy móc. Thậm chí bà còn mời1 kỹ sư về nhà, nuôi cơm hàng ngày và nhờ người này dạy cách chế lá tre sao cho hiệu quả cao.

Thời điểm đó, có những lần 2 vợ chồng bà tìm đến tận Hà Giang, Yên Bái để tìm hiểu thị trường, thu mua lá đến gần 1 tuần mới về. 4 đứa con nheo nhóc ở nhà, tự tìm cái ăn, học hành, tắm giặt cho nhau. Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Triệu rớm nước mắt: “Nghĩ lại vẫn tội cho 4 đứa nó, còn nhỏ mà cực quá”. Rót chén nước nấu bằng lá rừng, bà Triệu lau nước mắt, rồi cười: “Chẳng ai ngờ lại có ngày hôm nay. Tuy tôi mới học hết bổ túc lớp 3 nhưng được ông trời cho cái đầu thông thái”. Bà Triệu tính nhẩm rất nhanh, mỗi lần nói chuyện với chủ Đài Loan bà nghe rất tinh (Người này nói lơ lớ tiếng Việt), đối đáp đâu ra đấy nên được chủ thu mua quý mến.

Trở thành tỷ phú nhờ lá tre

Bà Triệu cho biết, lá tre sinh trưởng phát triển tốt nên chẳng mấy khi thiếu hàng. Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 30.000 đồng/kg; lá tre tươi là 7.000 đồng/kg. Lá được chia làm hai loại: loại A dài 45 cm, ngang 10 cm; loại B dài 40 cm, ngang 8 cm. Lá thành phẩm yêu cầu phải to bản, lành lặn, chỉ đốm hay rách một tí là coi như vứt. Hầu hết, người trong làng xã đến giao hàng cho bà, ngoài ra bà vẫn phải đi mua ở các tỉnh lân cận.

Bà Triệu kể, có lần thu mua lá tre của cặp vợ chồng người Mường trong Kim Bôi, Hòa Bình, ở nhà vách đất, nghèo rớt không có cái ăn, con cái phải ở truồng. Thấy thương tình nên bà mách nước làm ăn. Bà bảo chịu khó thu mua lại những lá mương ở trong rừng, rồi bà ở đó 2 ngày hướng dẫn miễn phí cách chế lá tre để xuất khẩu đi Tây. Vợ chồng này làm chủ thu mua ngay ở cửa rừng, xây được nhà lầu, tậu xe hơi.

Chị Loan, người được bà Triệu giúp đỡ vẫn còn xúc động chia sẻ: “Chị Triệu đúng là ân nhân của cả gia đình. Chị mách nước làm ăn rồi hướng dẫn miễn phí, chẳng giấu giếm bí quyết gì. Đúng là chị ấy cho cái cần câu cơm còn hơn thiên hạ cho cả cục vàng”. Hiện giờ, chị Loan cũng là chủ thu mua lá tre để xuất sang Đài Loan và Nhật Bản.

Ngồi trong ngôi nhà tầng khang trang với nội thất đắt tiền, bà Triệu chia sẻ: “Phải trải qua cuộc bể dâu thì mới nên công”. Hiện giờ, trung bình mỗi vụ bà Triệu xuất đi 100 - 200 tấn lá tre sang nước ngoài. Ngoài ra, bà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 bà con trong làng xã và hàng trăm người ở những tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Mỗi chuyến lá tre xuất sang nước ngoài bà Triệu thu về hàng tỷ đồng. Một năm 4 tháng từ tháng 6 đến tháng 10 bà Triệu thu mua lá tre và chế biến để xuất sang nước ngoài.

Gần đây, có ông chủ người Nhật đến tận nhà bàn giao thu mua lá tre qua chế biến công nghệ cao với bà Triệu. Dự tính trong năm tới, lượng lá tre xuất sang nước ngoài sẽ có giá thành cao hơn và lượng gấp đôi so với năm ngoái. Trở thành tỷ phú nhờ lá tre, nhưng bà Triệu vẫn cấy hơn 4 sào lúa. Những tháng không thu mua lá tre, hai vợ chồng bà Triệu vẫn chăm chỉ đi thăm đồng áng và nuôi mấy chục con gà.

(Theo Zing)