Kiểm lâm bán cây sưa 600 triệu đồng
Một cây sưa ở rừng quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã
được bán với giá 600 triệu đồng. Và người bán cây sưa này lại chính là
kiểm lâm.
Không hiểu tình cờ hay cố ý mà dự án tuyến đường cứu
hộ Vườn Quốc gia lại được đi đúng qua gốc sưa khoảng hơn 10 năm tuổi
nên bị liệt vào diện giải tỏa. Không đề nghị cơ quan chức năng có
phương án bảo tồn thực vật quý hiếm, Trạm Kiểm lâm số 9 (Hạt Kiểm lâm
Cúc Phương) đã tự ý đào gốc, bán cây sưa nói trên với giá khoảng 600
triệu đồng cho nhà hàng Vinh Phượng.
Nhưng
khi nhà hàng này đặt cọc 20 triệu đồng để mua sưa, trong nội bộ Hạt
kiểm lâm không thống nhất bán, người bảo mang đi trồng nơi khác, người
kêu bán. Tuy nhiên, cuối cùng, Hạt kiểm lâm Cúc Phương vẫn ra quyết
định bán cây.
Sau đó, UBND xã Cúc Phương, huyện Nho Quan không
đồng ý cho bán và yêu cầu việc bán cây sưa này phải ngừng lại. Thấy
vậy, nhà hàng Vinh Phượng cho khoảng 10 người bặm trợn dựng lều xung
quanh cây sưa gần một tuần để canh. Những người canh ở cây sưa này còn
ngang nhiên nói rằng, không bán thì vẫn cho máy múc đi vì Hạt kiểm lâm
đã nhận tiền đặt cọc 20 triệu đồng.
Trước tình hình này, Hạt
kiểm lâm đã phải bán cho nhà hàng theo đúng như thỏa thuận từ trước với
giá 600 triệu đồng. Và cây sưa được múc cả gốc lên ô tô và chở đi. Sau
đó cây sưa quý trên còn qua tay rất nhiều chủ và số tiền không dừng
lại ở con số 600 triệu đồng.
Ông Trương Quang Bích - Giám đốc
VQG Cúc Phương - cho biết: Anh em ở trạm kiểm lâm số 9 đã làm đơn gửi
UBND xã và hạt kiểm lâm Nho Quan xin phép được bán. Thế nhưng, ông Đinh
Thúc Chiến, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến lại khẳng
định: Trên Vườn Quốc gia vừa rồi chỉ có một thông báo cho xã là thanh lý
một số gỗ nhưng là gỗ keo (?!)".
Kiểm lâm buôn gỗ lậu, 10 người chết oan
Ngày 24/1 vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử các bị cáo
trong vụ lật xe chở gỗ lậu làm 10 người chết, xảy ra vào tháng 12/2011.
Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 3h sáng 7/12/2011, chiếc xe tải BKS
37V-3851 chở gỗ lậu chạy từ xã Xiêng My (huyện Tương Dương) sang huyện
Quỳ Hợp khi đến địa phận xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông) thì gặp tai
nạn và lật úp bên đường. Vụ tai nạn khiến 10 người tử vong, 4 người
khác bị thương. Tất cả nạn nhân đều là người dân nghèo ở huyện Quỳ Hợp
đi bốc gỗ thuê.
Điều đáng nói, vụ việc có dính líu đến một loạt
cán bộ kiểm lâm trên địa bàn, trong đó có Trịnh Thanh Long - Phó giám
đốc, kiêm Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và
một số kiểm kiêm khác Phan Sỹ Tuấn - Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nga My;
Đào Công Thắng - nguyên Trưởng trạm Bảo vệ rừng Quỳ Hợp thuộc Khu bảo
tồn thiên nhiên Pù Huống; Nguyễn Kim Hùng - kiểm lâm viên trạm bảo vệ
rừng Quỳ Hợp.
Cáo
trạng của Viện kiểm sát đã truy tố các bị cáo: Trịnh Thanh Long, Phan Sỹ
Tuấn, Đào Công Thắng, Nguyễn Kim Hùng; Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Doãn
Tình và Hoàng Văn Chiến (chủ xe tải) về tội danh Vi phạm các quy định
về khai thác bảo vệ rừng. Riêng bị cáo Vương Đình Hạnh (tài xế xe tải)
bị truy tố cả 2 tội danh: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện
giao thông đường bộ và tội Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ
rừng.
Cơ quan điều tra xác định, Hạt trưởng Long mua hơn 13
khối gỗ trai lậu trong của người dân ở xã Xiêng My. Sau khi thuê người
đục đẽo thành nếp nhà, Long thuê Chiến chở gỗ về. Chiến bảo Hạnh lái
xe, và gọi 14 phu gỗ đi bốc thuê. Trong quá trình bốc gỗ và vận chuyển,
các thuộc cấp của Hạt trưởng Long là Tuấn, Thắng và Hùng đều có mặt,
đi theo để bảo kê qua các chốt kiểm lâm.
Được biết, mỗi năm tại
Nghệ An có nhiều cánh rừng bị chặt phá bởi lâm tặc, trước sự tiếp tay
trắng trợn của kiểm lâm và những cán bộ lâm nghiệp quản lý rừng.
Xe kiểm lâm chở gỗ lậu
Cuối năm 2009, Đội Kiểm lâm Cơ động Quảng Bình đã bắt giữ một ôtô của
Hạt Kiểm lâm Phong Nha (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) vận chuyển
0,416m3 gỗ mun sọc (loại gỗ nhóm I, bị nghiêm cấm khai thác) không rõ
nguồn gốc.
Số gỗ
này bị bắt giữ khi đang được vận chuyển trên ôtô mang biển kiểm soát 80
NN 546-22, do Nguyễn Anh Tuấn, lái xe Hạt Kiểm lâm Phong Nha điều
khiển. Chiếc xe này nguyên là của một tổ chức quốc tế hoạt động ở Vườn
Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và được giao lại cho Hạt Kiểm lâm Phong
Nha quản lý, sử dụng.
Năm 2012, dư luận chấn động với vụ 11
người chặt phá 3 cây sưa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Phong Nha -
Kẻ Bàng (Quảng Bình). Điều đáng nói, tại thời điểm xảy ra vụ việc có 7
kiểm lâm và 1 trạm trưởng đã rời bỏ chốt trực một cách bất thường,
khiến gỗ sưa lậu tuồn ra một cách thoải mái.
Mới đây, ông Hoàng
Hải Vân - Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
đã có báo cáo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với vai trò
tổ trưởng tổ điều tra xác minh ông Nguyễn Hữu Trí , Hạt phó hạt kiểm
lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng em trai là ông Nguyễn Thanh Trì (trạm phó
trạm kiểm lâm 37) đã lấy gỗ sưa của lâm tặc. Hơn 10 kiểm lâm viên của
Hạt kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã có tường trình xác nhận ông
Nguyễn Hữu Trí và ông Nguyễn Thanh Trì đã lấy 2 súc gỗ sưa khi đi kiểm
tra hiện trường.
Hạnh Giang (tổng hợp)