Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 vừa được phê duyệt đặt mục tiêu tăng 1,8 lần thu nhập bình quân ở nông thôn từ mức 24,4 triệu đồng năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.
Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nuôi gà thả vườn - một trong những mô hình trang trại giúp nhiều hộ nông dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Theo số liệu năm 2015 từ Bộ NN-PTNT, thu nhập bình quân ở nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Như vậy, với mục tiêu tăng thêm 1,8 lần đến năm 2020, thu nhập bình quân người nông dân sẽ vào khoảng 43,9 triệu đồng.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, định hướng giai đoạn 2017 - 2020 cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực, sản phẩm sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 cấp sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn...
Về lĩnh vực chăn nuôi, rà soát chiến lược phát triển ngành để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực.
Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 4,5 - 5%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt tối thiểu 5%/năm.
Cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), nơi nhiều tàu công suất lớn ra khơi xa khai thác thủy sản
Về lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể,…); phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng (cá quả, rô phi, thác lác,…), phát triển nuôi biển (tôm hùm, cá biển, rong biển).
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt 4,5 - 5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản đạt tối thiểu 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn.
Q.Hiếu - Thu Trà