Dầu nhớt thải được thu mua từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, ga ra ô tô, trung tâm bảo dưỡng máy móc... được các chủ lò đun nấu, “phù phép” thành nhớt “sạch” tung ra thị trường.

Lãi thu về từ việc kinh doanh dầu nhớt tái chế xem ra rất lớn, do vậy mỗi ngày trên địa bàn thủ đô Hà Nội xuất hiện cả trăm người làm nghề thu gom nhớt thải cung cấp cho các lò. Qua tìm hiểu, các lò “tái chế” tập trung phần lớn tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Chương Mỹ…

Đổ xô đi gom nhớt thải

Như thường lệ, 7 giờ sáng, anh Hùng (43 tuổi, ở xã Phùng Xá, H.Thạch Thất, TP.Hà Nội) tất tả dắt chiếc xe máy bám đầy cặn đen nhớt thải ra khỏi cổng, nổ máy phóng thẳng về hướng nội thành. Sau xe anh Hùng chất lỉnh kỉnh 6 chiếc can nhựa loại 25 lít. Hết quãng đường 25 km, anh Hùng hướng về đường Nguyễn Khang, trước khi rẽ trái ra đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc… nơi có nhan nhản những cửa hàng sửa chữa xe máy, ga ra ô tô.

{keywords}
Một trong rất nhiều biển hiệu thu mua nhớt thải ở An Khánh

Thoáng chốc đã 9 giờ 45 phút, 3 chiếc can nhựa sau chiếc xe máy của anh đã đầy nhớt thải đen ngòm. Theo lời anh Hùng, loại dầu nhớt thải tưởng chừng như chủ xe bỏ đi được anh thu mua với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/lít.

10 giờ 15 phút, anh Hùng cho xe hướng ra đường Lạc Long Quân, rồi Xuân Đỉnh trước khi vòng về Thụy Khê - Hoàng Hoa Thám...

11 giờ 45 phút, 6 chiếc can nhựa mang theo trên xe của anh Hùng đã chứa đầy nhớt thải (150 lít).

Tương tự, ở các xã thuộc H.Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai… người dân đua nhau đi thu mua nhớt thải về bán lại kiếm lời.

{keywords}

Nhớt tái chế được đựng trong phuy 200 lít đợi đi tiêu thụ

“Công xưởng” tái chế

Sau nhiều ngày đeo bám những chuyến xe thu mua nhớt thải, chúng tôi lần ra được đầu mối thu gom cũng như địa điểm đun nấu, tái chế nhớt thải thành nhớt “sạch” sử dụng cho các loại động cơ.

Đầu tiên là “công xưởng” của một người đàn ông tên Hưng, được đặt trên cánh đồng nằm ngoài rìa làng thuộc xã Vân Côn (H.Hoài Đức). “Công xưởng” có diện tích hơn 300 m2, gồm một ngôi nhà cấp bốn để ở, khu thu mua, lò đun và nơi chứa nguyên liệu. “Ở đây chủ không bán nhớt lẻ, mà toàn đóng vào từng phuy sắt loại 200 lít rồi chất lên ô tô chở đi giao. Giá mỗi lít là 30.000 đồng”, một người trông coi lò tiết lộ với chúng tôi như vậy. Bị chê đắt, anh ta lớn tiếng: “Thế mà cũng đòi đi mua, nhớt ở chỗ khác nấu chỉ cho thêm có một chút xúc tác thải của nhà máy lọc dầu, một chút mỡ bò mà đã bán 35.000 đồng/lít”. Vẫn theo người này, hiện “công nghệ” tái chế của lò anh ta được chuẩn theo phương thức: trước tiên a xít được đổ vào nồi chứa nhớt thải đang đun để làm sạch và khuấy đều. Kế đến đổ bột than hoạt tính nghiền mịn nhằm làm ngưng tụ tạp chất lẫn trong nhớt thải xuống đáy nồi. Cuối cùng, để cho giống nhớt sạch về màu và độ nhờn, chủ lò cho thêm nhựa thông và mỡ bò công nghiệp. Tuy đốt bằng củi thông thường, nhưng mỗi ngày chủ lò vẫn kịp xuất đi 5 thùng phuy nhớt (loại 200 lít một phuy).

{keywords}
Các dụng cụ tái chế đều hết sức thô sơ

Cách đó không xa, xã An Khánh (H.Hoài Đức) với dân số hơn 2 vạn, từ lâu được coi là địa điểm thu mua, tái chế nhớt thải lớn nhất miền Bắc. Khắp đường làng, ngõ xóm, tới đâu cũng bắt gặp những phuy nhớt đợi các đầu nậu mang xe ô tô tải tới chở đi đóng bao bì tiêu thụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, xã An Khánh có không dưới 10 lò với công suất mỗi lò cả nghìn lít mỗi ngày. Ngoài ra còn nhiều điểm thu gom, tái chế nhớt nhỏ lẻ khác.

Khác với lò ở khu vực xã Vân Côn, ở An Khánh các chủ lò đốt nhớt thải bằng than đá, dùng bột cao lanh loại 500 đồng/kg để lôi kéo các hạt kim loại, bụi bẩn lơ lửng có trong nhớt lắng xuống đáy và dùng chất xúc tác thải của nhà máy lọc dầu để tái chế nhớt… Tất cả các công đoạn đều diễn ra thủ công.

{keywords}

Cận cảnh một lò nấu nhớt tái chế

Sau khi được đun nấu, chưng cất, thậm chí không cần chưng cất, loại dầu nhớt này đổ ra nhìn cũng chẳng khác gì nhớt sạch của các thương hiệu lớn, được bán đổ buôn với giá 36.000 đồng/lít. Tính ra, đầu tư vốn 1,8 triệu đồng để thu gom 1 phuy nhớt 200 lít, tái chế xong các lò bán buôn 7,2 triệu đồng/phuy, trừ hết các chi phí mỗi phuy cũng có lãi 3,6 triệu đồng.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, loại nhớt tái chế này chủ yếu được đem phân phối tại các huyện ngoại thành và các tỉnh vùng xa.

Phá xe, hại đất

Tiếp xúc với những lao động làm việc tại lò nấu, họ đều khuyên chúng tôi: “Nhớt này dùng chạy xe, chạy máy, tuổi thọ chỉ bằng 1/3 lần nhớt sạch”. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên rất nhiều chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, trung tâm bảo dưỡng, thậm chí cả ga ra ô tô sẵn sàng nhập nhớt tái chế về, sau đó cho đóng hộp với đầy đủ nhãn mác.

{keywords}

Người đi thu mua nhớt thải ở khắp các phố phường thủ đô

Anh Xuân Tùng, chủ một trung tâm bảo dưỡng xe máy có tiếng ở thị trấn Đông Anh (H.Đông Anh), cho biết: “Trung tâm của tôi vẫn thường xuyên nhận được lời chào hàng mua nhớt giá rẻ, trên dưới 40.000 đồng/lít. Loại nhớt này cũng được đóng hộp, gắn nhãn mác đàng hoàng. Nhưng tôi kiên quyết không nhập vì biết đó là nhớt tái chế, chất lượng kém”. Theo anh Tùng, nếu dùng nhớt tái chế, sau một thời gian các bộ phận của động cơ như sú páp, ly hợp, côn số… sẽ bị phá hỏng. Trường hợp xe gắn máy hư hỏng kiểu này, trung tâm của anh đã gặp rất nhiều.

Đáng nói hơn, quá trình đun nấu nhớt thải đang hủy hoại, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống của người dân. Cống rãnh, mương dẫn nước thải nhiễm nhớt khiến cây cối hoa màu héo úa dần, cá nuôi trong ao hồ cũng nổi bụng chết thường xuyên, nguồn nước ngầm ô nhiễm trầm trọng. Người dân làng Vân Côn và An Khánh đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp nhưng tới nay chưa được giải quyết.

Làm việc với Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Hoán, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh, cho rằng trước đây địa bàn xã ông có nhiều hộ đun nấu tái chế nhớt, nhưng hiện nay không còn, hoặc còn nhưng họ giấu kín khi đun nấu nên chính quyền rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi chúng tôi trưng ra hình ảnh về những lò nấu cùng dụng cụ tái chế nhớt thải đang hoạt động ngày đêm tại địa phương thì ông Hoán cho biết “sẽ cho tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm”.

Phá máy móc rất nhanh

Tiến sĩ Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn Công nghệ hữu cơ - hóa dầu (Khoa Công nghệ hóa - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết quá trình vận hành, các bộ phận máy sinh ra rất nhiều các hạt nhỏ kim loại, muội các bon, tạp chất bụi bẩn. Do vậy, việc tái chế dầu nhớt thải bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định sẽ còn tồn dư nhiều hạt kim loại, tạp chất… Khi sử dụng, các loại động cơ, chi tiết máy sẽ nhanh bị hỏng. Đặc biệt, không ít loại nhớt thải sau khi tái chế được tung ra thị trường trong thành phần của chúng vẫn còn tồn dư lượng lớn a xít, lưu huỳnh và đây được xem là nguyên nhân chính gây bào mòn máy móc. Ngoài ra các lớp gioăng, đệm cao su có trong máy cũng sẽ bị trương nở, dẫn đến hư hại rất nhanh.

(Theo Thanh Niên)