BQL Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) cho biết, Dự án Công ty TNHH MTV Bus Industrial Centre được thành lập để đầu tư dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ tại KCN Nhơn Hòa thuộc khu kinh tế Nhơn Hội.
Dự án có mức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với nguồn vốn đăng ký lên tới 1 tỷ USD của Công ty TNHH Buscenter Met (Nga). Tuy nhiên, sau gần 3 năm dự án vẫn nằm im bất động dù đã được cấp phép.
Trước đó, theo Nghị định thư hợp tác về ô tô vừa mới được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng và người đồng cấp Nga Denis Valentinovich Manturov, các doanh nghiệp sản xuất xe của Nga (Kamaz, Gaz, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam sẽ thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp xe ô tô của Nga tại Bình Định vừa bị tuýt còi - Ảnh minh họa |
Theo Hiệp định VN-EAEU FTA, thuế suất với phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nga sẽ giảm về 0% sau 5 đến 7 năm và với xe nguyên chiếc là sau 10 năm.
Hưởng mức thuế 0% này, ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng của Chính phủ tại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nếu một liên doanh không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết thì sau 10 năm thì sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn định hướng sản xuất ôtô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á.
Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường, đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm.
(Theo Xe giao thông)