- Gần một tuần nữa mới đến rằm tháng 7 nhưng cảnh mua bán đồ lễ cúng diễn ra tấp nập tại các phố, chợ... , đặc biệt là tại những khu phố bán hàng vàng mã. Nhiều nơi nhân viên đua nhau nghỉ để chuẩn bị cúng rằm.
Không nỡ từ chối
Thường ngày, 8h10’ bắt đầu giờ làm việc nhưng hôm nay, đã gần 10h sáng văn phòng làm việc một công ty ở khu vực Ba Đình (Hà Nội) vẫn vắng tanh, chỉ lác đác 5-6 người. Ba người xin nghỉ nửa ngày còn hai người kia xin nghỉ hết ngày luôn để cúng rằm tháng 7.
Giám đốc công ty, anh Trần Ngọc Chiến, than thở, suốt từ đầu tuần tới giờ, ngày nào cũng có người xin nghỉ cúng rằm, nhân viên thi nhau nghỉ. “Là sếp, tôi cũng thông cảm cho chị em nhưng hôm nay nhân viên nghỉ nhiều quá, công ty loạn hết cả lên. Tôi đang đau đầu tính đủ cách mà chưa biết phải làm sao để có thể sắp xếp cho mọi người thay nhau nghỉ để công việc không bị ảnh hưởng”.
Theo lời anh Chiến, tháng Bảy ngày rằm thì gia đình nào cũng làm lễ cúng, không to thì nhỏ, nhiều nhà còn đi chùa cầu siêu... Gia đình anh cũng vậy. Thế nên, thấy nhân viên xin nghỉ anh không nỡ từ chối.
Để chuẩn bị mâm cỗ cúng kỳ công như thế này chị em phải lăn ra chuẩn bị (ảnh minh họa - afamily) |
“Ngày mai hai người nữa cũng xin nghỉ chỉ để cúng rằm, trong đó có cả kế toán của công ty mà tôi chưa biết điều chuyển công việc ra sao. Nhiều lúc thông cảm, cho nhân viên nghỉ cũng khổ thế chứ!”.
Tương tự, tại công ty của chị Cao Thị Thanh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên cũng thi nhau xin nghỉ đi lễ, cúng rằm tháng Bảy.
Chị Vân kể rằng, thứ hai đầu tuần họp giao ban mà phòng làm việc chỉ có 7 người, bốn người được sếp thông báo rằng 1 người nghỉ con ốm còn 3 người kia xin nghỉ để cúng rằm tháng 7.
“Nhân viên nghỉ nhiều, sếp trưởng phòng không biết làm thế nào, cứ điều chuyển hết người này đến người khác chạy lòng vòng thay nhau. Nhiều lúc, phòng nội dung của tôi còn phải hỗ trợ phòng khác vì thiếu người. Thậm chí, có lúc công việc lu bu quá, không biết phải điều chuyển thế nào nên sếp cũng trở thành nhân viên bất đắc dĩ, làm mọi việc có thể”, chị Vân cho hay.
Chị Vân tâm sự: “Những lúc đó công việc nhiều khi rối tung hết cả. Thế nhưng ai cũng vậy, người ta nói cả năm có cái rằm tháng 7. Nhiều gia đình cầu kỳ trong chuyện cúng bái, mất cả 2-3 ngày để chuẩn bị lễ. Chị em trong công ty đành phải chịu khó làm thay, thông cảm cho nhau vậy”.
Phân công nghỉ luân phiên
Không nghỉ ồ ạt nhưng tại những công ty khác, bắt đầu từ tháng 7, nhiên viên đã ngấm ngầm, “họp kín” với nhau cùng lên kế hoạch xin nghỉ để lo cúng rằm tháng 7 cho gia đình.
Chị Trần Thị Hương ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, vốn là dâu trưởng, và chồng chị còn là trưởng một dòng họ, nên tất cả ngày giỗ chạp, ngày rằm, mồng một... chị đều phải cúng bái rất cẩn thận. Đặc biệt, ngày rằm tháng 7 còn phải làm lễ cầu kỳ và chu đáo hơn.
“Sắm đồ lễ thì tôi có thể tranh thủ được buổi chiều khi tan sở, còn làm lễ cúng thì phải lên kế hoạch xin nghỉ để việc cúng lễ được chu đáo”, chị Hương nói.
Chị Hương tiết lộ, ở công ty, chị em nào cũng phải lo mua sắm và cúng rằm tháng 7 như vậy, trừ một vài người người chưa có gia đình. Vì thế, chị em nghĩ ra cách phân công nhau nhau nghỉ. Mọi người đều thống nhất mỗi người nghỉ một ngày nhưng phải lệch nhau, rồi có thể làm bù sau. Ngoài ra, phân công nhau nghỉ như thế sếp không bắt bẻ được.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng ngầm hội ý nhường cho những người có hoàn cảnh đặc biệt (như làm dâu trưởng), phải theo gia đình thì được chọn ngày nghỉ trước. Còn những người khác tùy tình hình để chia nhau nghỉ sao cho hợp lý”, chị Hương tiết lộ.
Tương tự, chị Huyền Trâm làm nhân viên truyền thông cho một công ty tại khu vực Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết, từ thứ hai tuần này cho tới rằm tháng 7, chị em trong phòng đã lên sẵn kế hoạch xin nghỉ để lo sắm đồ cúng rằm cho gia đình.
Chị Trâm cho hay, rằm tháng 7 là ngày rằm quan trọng nhất trong năm, những ngày rằm khác có thể làm qua loa chỉ mua hoa quả về thắp hương nhưng riêng rằm tháng 7 thì phải đầy đủ vàng mã, lễ lạt... “Thấy chị em trong phòng cứ xin nghỉ luân phiên chắc sếp cũng đoán ra lý do xin nghỉ. Tuy nhiên, đến nay cả phòng đều không thấy sếp phản ứng gì. Chắc sếp cũng thông cảm cho anh chị em khi mà mọi người nghỉ luân phiên nhưng không ảnh hưởng đến công việc”.
Như Băng