Cộng đồng nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hai khoản hỗ trợ tài chính mới của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm giúp Việt Nam trong nỗ lực giảm nghèo và phát triển nông thôn.

Ngày 28/6/2017, WB đã phê duyệt một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 153 triệu USD trợ giúp Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo và phát triển nông thôn.

Khoản hỗ trợ tài chính này sẽ góp phần vào nỗ lực chung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn và tạo cơ hội việc làm, song song với nâng cao năng lực lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ, đặc biệt hướng tới đối tượng là người dân tộc thiểu số.

18 tỉnh mục tiêu sẽ được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Trà Vinh.

{keywords}

“Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo. Tuy nhiên, cộng đồng người dân ở khu vực miền núi và nông thôn vẫn còn nghèo” ông Ousmane Dione, Giám Đốc Quốc Gia của Ngân Hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu. “Ngân hàng Thế giới cam kết hợp tác với Việt Nam để đạt được sự tăng trưởng toàn diện hơn thông qua việc hướng hỗ trợ tới những nhóm dễ bị tổn thương và giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn”.

Khoản hỗ trợ tài chính mới này hoàn toàn nhất quán với Khung Đối tác Quốc gia mới của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022. Cùng với các ưu tiên phát triển khác, khoản tài chính này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển các doanh nghiệp nông thôn và các hoạt động đầu tư chuỗi giá trị cho các nhà sản xuất tại nông thôn đặc biệt hướng đến các nhóm người dân tộc thiểu số.

Trước đó, vào ngày 22/6, WB cũng vừa mới phê duyệt khoản tài trợ 300 triệu USD giúp cải thiện kết nối giao thông với Tây Nguyên và mang lại nhiều việc làm hơn cho 8 tỉnh ven biển.

Một nửa số vốn sẽ dành cho dự án tăng cường kết nối giao thông nhằm cải tạo 142 km đường quốc lộ 19, nâng cao an toàn giao thông và khả năng ứng phó thiên tai. Khi dự án được hoàn thành người dân tại hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, giảm được thời gian đi lại và tăng mức độ an toàn giao thông. Sau khi được cải tạo, đường quốc lộ này dự kiến sẽ đủ năng lực phục vụ 6.200 xe cơ giới hạng nhẹ mỗi ngày.

Khoản 150 triệu USD còn lại sẽ giúp quản lý rừng ven biển tại các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng. Công tác phục hồi và bảo vệ rừng sẽ tạo việc làm mới cho người dân tại hơn 900 cộng đồng thuộc 257 xã thuộc 8 tỉnh trong địa bàn dự án. Ngoài ra dự án cũng tạo thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản.

Trong ưu tiên cho Việt Nam giai đoạn 2016-2021, WB sẽ chú trọng tăng trưởng bao trùm, đầu tư vào con người, bền vững môi trường và quản trị tốt. Năm 2017, WB dành 1,8 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt tập trung giảm nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ Việt Nam quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp, đô thị, giải quyết vấn đề liên quan đến an toàn đập để đảm bảo rằng những đập đã được xây tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy lợi ích trong nhiều thập kỷ tới; đồng thời WB nỗ lực giúp Việt Nam có thể đạt được cân bằng và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

D.Minh - Thu Trang