Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) là một định chế đặc thù, rất quan trọng và định hướng sử dụng công cụ này tham gia vào quá trình tài cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu.

Báo cáo về kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) trước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 10/8, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi, ông Nguyễn Quang Huy cho biết trong thời gian qua bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến 31/5/2016, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo dõi 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại 1.252 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 92 ngân hàng thương mại, ngân hàng Hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vĩ mô.

Tổng tài sản của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến cuối tháng 5/2016 đạt 30.680 tỷ đồng, tăng 15% so với 2015.

{keywords}

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) được kỳ vọng sẽ là công cụ mới trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trong 16 năm qua, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc, kiểm tra, giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi...

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ghi nhận về đóng góp của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Thông qua hoạt động giám sát, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ góp phần tích cực cùng ngân hàng nhà nước phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận xét “bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước đây chủ yếu chỉ được giao giải quyết những tổ chức tín dụng nhân dân đổ vỡ, đến nay, tổng tài sản cũng đã được hơn 30 nghìn tỷ đồng. Vì thế cần được giao thêm chức năng, nhiệm vụ để phát huy tốt hơn vai trò của bảo hiểm tiền gửi”.

Cùng quan điểm như vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước nói thêm, cần mạnh dạn đề xuất sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi, tạo vị thế độc lập cho BHTG. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng thống nhất: “Nếu không điều chỉnh khuôn khổ hoạt động pháp lý thì rất khó nâng cao hiệu quả hoạt động của BHTG”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quy mô chi trả hiện nay của BHTG mới chỉ đáp ứng chi trả cho các Quỹ tín dụng nhân dân hoặc chỉ đủ sức chi trả cho các tổ chức tín dụng loại nhỏ khi gặp phá sản; chưa được tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém của Chính phủ.

Hiện tại, hoạt động của DIV rất đơn giản, phí thu đồng hạng 0,15% trên tổng tiền gửi. Chức năng của DIV chủ yếu là: cấp và thu hồi chứng nhận BHTG; thu phí, quản lý và đầu tư nguồn vốn; giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý NH yếu kém đã đi qua được một chặng đường 5 năm và đã đạt được những kết quả ban đầu. Nhưng nhiệm vụ còn nhiều như: cân đối chi tiêu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ cấu, tiếp tục tái cấu trúc hệ thống NH, xử lý NH yếu kém, xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Chiến lược phát triển của BHTG thời gian tới phải xác định vai trò quan trọng của mình trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với xử lý nợ xấu.

Ông cũng đồng ý với đề xuất sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi và giao Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức chi trả BHTG để phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao niềm tin người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Về xác định mức thu phí trên cơ sở tính toán rủi ro của tổ chức tín dụng thì Phó Thủ tướng yêu cầu BHTG trình đề án lên NHNN để nghiên cứu thận trọng, đề xuất lộ trình thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

H. Tú