Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc xóa, khoanh gần 15.000 tỷ đồng nợ thuế cho DN. Liệu chủ trương này có thực sự góp phần tháo gỡ được khó khăn cho DN, hay chỉ góp phần làm “sạch đẹp” các loại báo cáo, thậm chí tạo ra tâm lý chây ì nghĩa vụ thuế của DN.
Xóa 8.000 tỷ nợ thuế, khoanh 6.700 tỷ
Nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chủ trương xóa, khoanh nợ thuế theo hai phương án.
Một là xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với DN cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được nhà nước thanh toán. Tổng số tiền ước tính xóa là hơn 542 tỷ đồng.
Hai là xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước năm 2014. Và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp tương tự phát sinh từ năm 2014 đến hết 2015.
Như vậy, theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có gần 15.000 tỷ đồng nợ thuế được đề xuất xóa, khoanh nợ. Trong đó, các khoản được xóa là gần 8.000 tỷ đồng và nợ thuế được khoanh là trên 6.700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định: Nguyên tắc xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Việc xóa tiền nợ thuế cho các DN bị ngân sách Nhà nước chậm trả là đúng với đạo lý và phù hợp với thực tiễn. Bởi vì chẳng mấy khi DN kiện được nhà nước chuyện thanh toán chậm”.
Đối với trường hợp DN bị tuyên phá sản mà không có khả năng nộp thuế thì đương nhiên nhà nước phải xóa nợ thuế. Bởi vì nợ thuế cũng là khoản nợ không có đảm bảo nên việc thu hồi được số thuế bao nhiêu, hay không thu hồi được nợ thuế phụ thuộc vào quyết định giải quyết phá sản của tòa.
Vì vậy nếu DN phá sản mà không thu được thuế thì cần phải xóa nợ thuế để phản ánh đúng thực trạng tài chính của đất nước.
Cứu DN đang sống thay vì cứu DN đã chết
Nhiều chuyên gia về thuế tỏ ra băn khoăn về trường hợp xóa nợ thuế cho DN giải thể, bỏ kinh doanh. Bởi vì một DN muốn giải thể được phải thực hiện nghĩa vụ thuế xong mới được giải thể.
“Vậy tại sao DN đã giải thể rồi mà chưa thu được tiền thuế?”, ông Nguyễn Văn Được thắc mắc.
Vì thế, ông Được đề nghị cần làm rõ các trường hợp nào giải thể không thu hồi được nợ thuế mà được xóa nợ thuế để đảm bảo bình đẳng giữa các DN; tránh tình trạng chây ỳ, bỏ trốn, không nộp tiền thuế để được xóa, khoanh nợ thuế gây bức xúc trong dư luận. Hệ lụy là không khuyến khích DN thực hiện tốt chính sách pháp luật.
Tuy nhiên nếu thực sự không thể thu hồi được sau khi áp dụng các biện pháp và quy trách nhiệm của người có liên quan thì cũng nên xóa nợ thuế cho giảm bớt chi phí theo dõi, quản lý…
“Nhưng trong tương lai tôi nghĩ rằng ngành thuế cần chú trọng hơn trong công tác thu nộp thuế để tránh tình trạng chây ỳ và bỏ trốn không nộp tiền thuế”, ông Được đề nghị.
Không mấy lạc quan vào tác động của việc xóa, khoanh nợ thuế với cộng đồng DN, ông Chung Thành Tiến, Trưởng đại diện phía Nam Hội kế toán hành nghề Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Đồng Hưng cho rằng: Thực ra việc xóa, khoanh nợ thuế chẳng tác động gì cho DN nói chung cả. Chủ trương này chủ yếu hướng đến DN có vốn nhà nước.
“Còn nói xóa nợ thuế cho DN đã bỏ trốn, tôi nói thật DN nào mà bỏ trốn được cơ quan thuế. DN nào nợ thuế mà thoát được cơ quan thuế đâu, trừ khi DN đó chết rồi tuyên bố mãi mãi không kinh doanh nữa”, ông Chung Thành Tiến khẳng định.
Ở góc độ khác, ông Tiến cho rằng việc xóa nợ cho những DN đã giải thể, phá sản không có tác dụng gì ngoài việc “làm sạch đẹp” các loại báo cáo.
“Đáng ra phải chú ý đến những DN còn sống, họ đang yếu thì giúp họ khỏe lên. Những DN đã chết rồi thì giúp làm gì nữa. Những DN đang làm việc, mà gặp khó khăn thì chính sách phải mở ra cho người ta làm”, ông Tiến thẳng thắn.
Nhắc đến việc dự thảo Nghị quyết tính toán giảm thuế thu nhập DN nhỏ và vừa xuống 17%, ông Tiến cho rằng “không quan trọng”.
Thay vào đó, ông Tiến đề xuất: Những khoản chi hợp lý của DN phải được đưa vào chi phí được trừ cho phù hợp, từ đó giảm khoản thuế phải nộp của DN xuống. Đó mới là điều có lợi cho DN.
“Tôi quan tâm nhất là mọi chính sách đưa ra phải minh bạch, áp dụng cho các thành phần kinh tế phải như nhau”, ông Tiến nhấn mạnh.
Chốt lại vấn đề nợ thuế, ông Nguyễn Văn Được cho rằng: Tương lai chúng ta nên sòng phẳng với nhau. Nếu nhà nước chậm thanh toán cho DN thì nhà nước phải chịu phạt, thậm chí phải bồi thường thiệt hại. Còn DN chậm nộp tiền thuế thì vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật thuế để đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các DN và nhà nước.
Lương Bằng