- “Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo của mình sau cổ phần hóa", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải về việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn ỳ ạch và việc thoái vốn Nhà nước ở những tên tuổi lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Habeco, Sabeco... vẫn đang có nhiều dấu hỏi về sự minh bạch. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã chia sẻ với VietNamNet xung quanh vấn đề này. 

{keywords}

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Thưa ông, dư luận gần đây nóng với câu chuyện Sabeco và Habeco đã CPH nhưng không niêm yết trên sàn chứng khoán và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thoái vốn tại hai công ty này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sabeco và Habeco là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ, do đó, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ đã có những quy định rất cụ thể về thời hạn sau khi cổ phần hóa hoặc chào bán ra công chúng, cụ thể là doanh nghiệp phải thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa niêm yết. Vì thế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung chế tài xử lý hành chính đối với các DNNN sau CPH không hoặc chậm thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo về phương án thoái vốn tại hai DN này. Theo đó, cả Habeco và Sabeco phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước.

Chính phủ đã quyết định thoái vốn tại những doanh nghiệp rất lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh... Tuy nhiên, bán đi những DNNN lớn nhất liệu ngân sách có mất đi những "con gà đẻ trứng vàng”?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việc thoái vốn nhà nước tại một số DN nhằm tái cơ cấu lại khu vực DNNN, xác định đúng vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và cũng là thực hiện mục tiêu ‘Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.

Nguồn thu được từ việc thoái vốn nhà nước sẽ được sử dụng một phần để đầu tư trở lại các DN mà Nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Một phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định Luật NSNN.

Số tiền bổ sung cho chi đầu tư phát triển này sẽ tập trung cho một số công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn về xã hội như 5 bệnh viện tuyến một tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, bổ sung vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hay hỗ trợ vốn dự án chống biến đổi khí hậu...

Chính vì mục tiêu đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành về chủ trương bán vốn Nhà nước gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục bán cổ phần do SCIC nắm giữ tại 10 DN. Những DN có vốn nhà nước dự kiến thoái vốn trong thời gian tới đều là các doanh nghiệp lớn, vì vậy khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường.

Nói cách khác, Nhà nước rút vốn khỏi DN một cách có trật tự. Tất nhiên, việc bán vốn nhà nước tại các DN này phải được đấu giá trên thị trường theo quy định của pháp luật để bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Chủ trương lớn như vậy nhưng việc CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN vẫn khá chậm. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân đáng phải lưu ý nhất?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việc chậm trễ cổ phần hoá này là có những khó khăn, vướng mắc cả về chủ quan lẫn khách quan.

Về khách quan, đó là do nguyên nhân kinh tế thế giới phục hồi chậm đã tác động đến tăng trưởng kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn.

Về chủ quan, nhiều DN sau CPH không niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán dẫn đến hạn chế tính công khai, minh bạch và đổi mới quản trị DN.

Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, các DN CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, hầu hết là các tập đoàn, tổng công ty có phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị. 

Ngoài những nguyên nhân đó ra, tôi cho rằng, có nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Chính bởi vậy, muốn đẩy nhanh quá trình này, rất cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết liệt tái cơ cấu ở từng vị lãnh đạo các doanh nghiệp. 

Trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính, chúng tôi đã có những văn bản đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý tài chính đối với DNNN, cái gì gỡ vướng được cho doanh nghiệp là gỡ ngay, đồng thời có chế tài xử nghiêm những DN vi phạm.

Cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)