Đi xe sang, dùng hàng hiệu, khoe có mối quan hệ rộng để kêu gọi góp vốn với lãi suất cao rồi bỏ trốn.

Thời gian gần đây, một số bạn đọc phản ánh tình trạng bị lừa hàng chục triệu đồng tiền góp vốn từ mẩu tin quảng cáo trên một tờ báo.

Cả tin, mất hàng chục triệu đồng

Chị Thu Hiền (đường Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết đầu tháng 4 vừa rồi, chị có xem báo Mua và Bán và thấy thông tin “Cần tìm cổ đông góp vốn, lãi suất 5%/tháng. Liên hệ số máy 0938721xxx”. Chị gọi điện thoại vào số máy trên thì có một người nam xưng tên Tr. bắt máy, ông này hẹn gặp chị tại một quán cà phê để bàn công việc cụ thể.

Khi gặp mặt, ông Tr. nói mình có một công ty tài chính đầu tư nhiều lĩnh vực, có trụ sở tại quận 3. Ông Tr. bảo nếu khi nào chị cần tiền xài thì chỉ cần báo là anh này sẽ rút tiền đưa ngay. Sau đó chị Hiền đã đưa cho ông Tr. 40 triệu đồng và giữa hai bên có làm hợp đồng góp vốn bằng giấy tay.

Một tháng sau, chị Hiền báo cần rút 10 triệu đồng để mua một ít vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên, ông Tr. cứ hẹn hết lần này đến lần khác vẫn không đưa tiền. Sau một tháng theo dõi, chị Hiền bắt gặp ông Tr. tại hẻm 44 đường Nguyễn Kiệm. Ông hứa cho người mang tiền trả nhưng sau đó cắt đứt mọi liên lạc.

“Qua tìm hiểu, tôi thấy ông Tr. không những lừa tôi mà còn lừa nhiều người khác. Tôi theo dõi một số tờ báo khác thì thấy ông Tr. này vẫn còn đăng nhiều mẩu quảng cáo giống như trước để kêu gọi góp vốn” - chị Hiền cho biết thêm.

Một nạn nhân khác của ông Tr. là anh Tuấn Anh (quận Tân Phú). Anh này bức xúc: “Tôi xem trên báo thấy có đăng tin kêu gọi góp vốn kinh doanh với lãi suất cao hơn nhiều so với gửi ngân hàng nên tôi bấm máy gọi. Hẹn gặp, ông ta ăn mặc lịch sự, đi ô tô hạng sang, xài toàn hàng hiệu, cách giao tiếp rất chuyên nghiệp giống một doanh nhân thành đạt. Ông Tr. còn giới thiệu là có quen nhiều lãnh đạo các ngành để thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo tôi an tâm khi đưa tiền để ông ta cho vay. Tôi nghe vậy rất yên tâm, đưa ông Tr. 50 triệu đồng để đầu tư cho vay. Tuy nhiên, đến hạn trả, ông ta hết hứa rồi lại hẹn mà không đưa tiền rồi khóa máy luôn”.

Chị Thu Hiền và anh Tuấn Anh đều có chung mong muốn là làm sao để thông tin quảng cáo kia đừng xuất hiện nữa, đồng thời họ mong muốn báo đăng tải trường hợp của mình để không có thêm những nạn nhân mới.

{keywords}

Chị Thu Hiền đến báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh và hợp đồng góp vốn bằng giấy tay với ông Tr. 

Báo sẽ ngưng đăng tin

Bà Lương Thu Bồn, phụ trách chăm sóc khách hàng tờ Mua và Bán, cho biết: “Khi khách hàng muốn đăng tin quảng cáo thì chúng tôi sẽ kiểm tra một số giấy tờ trước khi tiếp nhận đăng tin. Nếu khách hàng đăng tin với tư cách cá nhân thì phải xuất trình CMND, sau đó chúng tôi sẽ chụp ảnh và lưu lại. Nếu khách hàng là doanh nghiệp thì phải xuất trình những giấy tờ liên quan để chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị ấy.

Khi nhận được thông tin phản ánh từ báo cung cấp, chúng tôi đã kiểm tra lại và đúng là người tên Tr. có đến Mua và Bán để đăng tin kêu gọi cổ đông góp vốn và dạy tiếng Anh cấp tốc cách đây vài tháng. Đến thời điểm này anh Tr. không còn đăng ký đăng thông tin nữa. Với những phản ánh của người dân về người đăng tin quảng cáo này, chúng tôi đã báo trên toàn hệ thống và sẽ ngưng tiếp nhận đăng tin đối với tên, số điện thoại của người này” - bà Thu Bồn khẳng định.

Để có thông tin nhiều chiều, PV đã liên hệ số điện thoại mà ông Tr. đăng tin nhưng số điện thoại luôn trong tình trạng không liên lạc được.

Chỉ còn cách kiện ra tòa để đòi nợ

Ở đây, cách thức lừa là người ta đưa ra mức lãi suất cao đánh vào lòng tham của người khác. Bình thường hiện nay lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng dao động 4,5%-6%/năm nhưng với lãi suất đưa ra tới 5%/tháng, tức 60%/năm, nhiều người thiếu cảnh giác mà dính bẫy.

Đây chỉ là giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 127 Luật Dân sự 2015, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Tại khoản 2 Điều 131 BLDS quy định khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Theo quy định trên thì ông Tr. có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền đã nhận của người khác. Trước hết, hai bên nên thỏa thuận về việc trả lại số tiền trên, nếu ông Tr. không trả lại tiền thì những người đã đưa tiền có thể khởi kiện dân sự ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Luật sư HUỲNH ĐỨC HỮU, Đoàn Luật sư TP.HCM

(Theo Pháp Luật TP.HCM)