Ông Đào Quang Vinh, Trưởng ban biên tập Bản tin cập nhật thị trường lao động, cho hay chưa thấy sinh viên nào mới ra trường nhận lương 2.000 USD mỗi tháng.
Câu hỏi của một sinh viên năm 3 Học viện Kỹ thuật mật mã tại buổi tọa đàm hướng nghiệp sinh viên: “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” đã làm nóng dư luận thời gian qua.
Nhiều người đánh giá câu hỏi của nữ sinh viên này là một cách nhìn tích cực và có khát vọng nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đây là mong ước quá viển vông.
Trao đổi với PV tại cuộc họp cập nhật thị trường lao động quý III năm 2016, ông Đào Quang Vinh, Trưởng ban biên tập Bản tin cập nhật thị trường lao động, Viện khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận định trong bối cảnh thị trường lao động khó khăn, những người có mơ ước ra trường đạt được lương 2.000 USD là những trường hợp đặc biệt.
"Hiện nay trong dữ liệu chúng tôi có thì chưa có sinh viên nào đạt được như thế", ông Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, thực tế cũng có nhiều người có thể làm được. Ngay cả các sinh viên đại học có những người rất xuất sắc, từ những năm thứ 3 - 4 đã tiếp xúc với các doanh nghiệp.
Ví dụ các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã chủ động vào để xem hồ sơ của các sinh viên xuất sắc và họ đầu tư cho sinh viên để khi ra trường, đưa các em vào vị trí có thể nhận được mức lương 2.000 USD.
“Nhưng đó là những người mà tố chất phải xuất sắc, có đủ năng lực và phải rất nỗ lực trong học tập và lao động, có trình độ tương xứng với yêu cầu mà các doanh nghiệp đòi hỏi. Nhưng hiện nay số lượng sinh viên đạt được trình độ và thực hiện được ước mơ này không nhiều”, ông Vinh nói.
Ông cũng cho rằng hiện có nhiều tấm gương thành công trong khởi nghiệp và sáng tác. Nếu sinh viên mới ra trường tìm được những công việc phù hợp với khả năng, sở trường và mục tiêu cùng với chính sách của Chính phủ cũng như cơ hội tiếp cận vốn, khoa học công nghệ và nguồn lực đầu tư mặt bằng thì hoàn toàn khả thi để thực hiện ước mơ 2.000 USD/ tháng, thậm chí còn hơn như thế.
“Sinh viên làm trong các doanh nghiệp FDI có thể nhận được lương 2.000 USD chứ không phải doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước có những chính sách tiền lương riêng, còn doanh nghiệp FDI thì có mức lương tự do hơn”, ông Vinh nói.
Theo bản tin cập nhật mới nhất, quý III/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý III/2015.
Trong số những người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có chuyên môn kỹ thuật 456.000 người thì nhiều nhất ở nhóm trình độ đại học trở lên 202.000 người, cao đẳng chuyên nghiệp 122.000 người, và trung cấp chuyên nghiệp 73.000 người.
Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, quý III/2016, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu đồng, tăng 80.000 đồng (1,7%) so với quý II/2016. Trong đó, lao động làm trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp theo là nhóm tài chính - ngân hàng, bảo hiểm.
Lao động làm trong khu vực nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất, 6,54 triệu đồng. Lao động khu vực FDI có mức lương cao thứ hai, 5,56 triệu đồng. Đứng thứ ba là lao động trong khu vực ngoài nhà nước, bình quân 5,51 triệu đồng và thấp nhất là khu vực tập thể.
(Nguồn: Zing News)