Thị trường chứng khoán bất ngờ đỏ lửa, nhiều cổ phiếu trong đó có BIDV giảm mạnh. Áp lực chốt lời và nỗi sợ sự biến động trên đỉnh áp đảo một dòng tiền rất mạnh đến từ cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Việt Nam (BIDV) giảm mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch. Có lúc, cổ phiếu này giảm sàn 2,2 ngàn đồng xuống còn 20.400 đồng/cp.
VN-Index có lúc giảm gần 16 điểm xuống gần 776 điểm.
Giới đầu tư lo ngại, các cổ phiếu trong đó có các cổ phiếu ngân hàng sẽ giảm mạnh sau khi đã tăng mạnh trong 3-6 tháng vừa qua. Trước đó, cổ phiếu BIDV ở đỉnh cao nhất 3 tháng. Cổ phiếu này đã tăng từ mức khoảng 16.000 đồng lên trên 22.000 đồng/cp, một mức tăng khá mạnh.
Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn. |
Cũng như nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, BID tăng mạnh trong thời gian gần đây theo sóng tăng chung trên thị trường chứng khoán và những tín hiệu tốt đến từ kết quả kinh doanh chung của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua còn do tăng trưởng tín dụng được mở ở mức cao 18-20% và nợ xấu có khả năng được xử lý một cách dứt điểm và nhanh chóng hơn nhờ những chính sách mới đã được quốc hội thông qua và chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng là khá lớn. Trong khi đó, nội tại trong hệ thống ngân hàng nói chung và một số tổ chức tín dụng còn nhiều vấn đề chưa được mổ xẻ kỹ lưỡng.
BIDV chưa có chủ tịch thay cho ông Trần Bắc Hà. |
Riêng BIDV, trong gần 1 năm qua ngân hàng này vẫn chưa có chủ tịch, kể từ khi ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT của BIDV nghỉ hưu. Ông Trần Bắc Hà là người gắn bó hơn 30 năm với BIDV. Ông nghỉ hữu theo chế độ kể từ 1/9/2016.
Hiện, Trần Anh Tuấn là thành viên hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên HĐQT bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK vẫn khá tích cực với thanh khoản lớn. Dòng tiền nội ngoại vẫn đang đổ vào thị trường. Khối ngoại liên tục mua ròng trong thời gian gần đây, giá trị mua trong hơn 7 tháng qua đã lên tới hơn 500 triệu USD. Hàng tỷ USD vốn ngoại sẵn sàng đổ vào TTCK.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán,... vẫn được đánh giá là có triển vọng sáng sủa. Các ngân hàng trụ lại sau tái cấu trúc sẽ hưởng lợi từ sự co giảm về số lượng và gia tăng về thị phần.
H. Tú