Hàng loạt các nhà đầu tư bất ngờ nhưng cũng đã kịp tung ngàn tỷ vào kiếm lời trước một cơn địa chấn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một kênh kiếm tiền top đầu cho các tổ chức nước ngoài trong gần 1 năm qua.
Theo tin mới nhất, Platinum Victory PTE thuộc sở hữu của Jardine Cycle & Carriage (công ty hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối oto tại khu vự Đông Nam Á) chính là tổ chức đã mua 5,53% cổ phần của Vinamilk, trị giá 616,6 triệu USD (14 ngàn tỷ đồng) từ SCIC và trên sàn chứng khoán TP.HCM vào cuối tuần qua.
Phiên đấu giá cổ phần được trông đợi nhất năm 2017 của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đã kết thúc với một đại gia nước ngoài bí ẩn chi ra gần 9 ngàn tỷ đồng (gần 400 triệu USD) để sở hữu 48,33 triệu cổ phiếu, tương đương 3,33% cổ phần trong buổi đấu giá chiều ngày 10/11/2017.
Kết quả này khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư bởi mức giá chào bán cao hơn tới 24% (186 ngàn đồng/cp) so với mức giá khởi điểm chào bán và cao hơn nhiều so với mức giá tham chiếu trên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cùng ngày: 162.500 đồng/cp.
Nó còn bất ngờ bởi trước đó, trong phiên đấu giá hồi cuối năm 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ế tới hơn 52 triệu cổ phần Vinamilk bởi cổ đông lớn - đại gia Thái F&N kiềm giá, chỉ chi hơn 11 ngàn tỷ đồng mua 5,4% cổ phần Vinamilk ở mức giá bằng giá khởi điểm 144 ngàn đồng.
Tuy nhiên, lịch sử không lặp lại. Phiên đấu giá ngày 10/11 là một cuộc chơi rộng mở hơn nhiều với 19 nhà đầu tư (6 tổ chức nước ngoài, 5 tổ chức trong nước và 8 cá nhân trong nước) đăng ký mua tổng cộng 73,8 triệu cổ phần VNM cao hơn rất nhiều số lượng cổ phần đem ra chào bán.
Thông tin về người thắng cuộc chưa được SCIC tiết lộ và người chiến thắng cũng không phải công bố thông tin do tỷ lệ sở hữu chưa đạt 5%. Nhưng, đây là một tổ chức nước ngoài và không phải tổ chức của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người đang sở hữu chi phối tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore F&N.
Sau thương vụ thoái vốn, SCIC còn nắm giữ 36% cổ phần tại Vinamilk, đây là mức đủ để Vinamilk giữ vững vai trò cổ đông lớn và có tiếng nói quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty sữa lớn nhất Việt Nam.
Trên TTCK, ngay trước thời điểm công bố kết quả phiên đấu giá cổ phần. Sức cầu cổ phiếu Vinamilk tăng vọt với hàng loạt các lệnh mua hàng triệu cổ phiếu đến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khối ngoại tung vào hàng ngàn tỷ đồng khiến cổ phiếu VNM tăng trần lên 173.800 đồng/cp.
Tổng cộng trong phiên giao dịch 10/11, khối ngoại đã chi ra khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng để mua gần 8,6 triệu cổ phiếu VNM trong tổng cộng 9,3 triệu cổ phần được giao dịch trong cùng ngày. Dư mua còn rất lớn.
Sau một chuỗi ngày mua gom từ đầu năm tới nay, F&N hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk sau SCIC với tỷ lệ sở hữu gần 19%. Trước phiên đấu giá lần 2, công ty con của F&N đăng ký mua vào thêm 21,77 triệu cổ phiếu VNM.
Như vậy, nhiều khả năng F&N là tổ chức đã chi tiền để mua cổ phiếu VNM trên sàn sau khi thấy lép vế trước đại gia ngoai bí ẩn tung 400 triệu mua cổ phiếu cỗ máy in tiền hàng đầu của Việt Nam.
F&N và nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khác đã thu về khá nhiều tiền sau khi đầu tư vào Vinamilk. Riêng với F&N, so với mức giá chốt trong phiên đấu giá vừa qua ở mức 186.000 đồng/cp hiện nay, đại gia Thái đã thấy lời 42 ngàn đồng/cp, tương đương gần 3,5 ngàn tỷ đồng cho khoản đầu tư cuối năm 2016. Đó là chưa tính đến hàng trăm tỷ đồng cổ tức hồi tháng 5 và tháng 8/2017 (tỷ lệ 40%).
Theo Nikkei, Platinum Victory PTE thuộc sở hữu của Jardine Cycle & Carriage (công ty hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối oto tại khu vự Đông Nam Á) chính là tổ chức đã mua 5,53% cổ phần của Vinamilk, trị giá 616,6 triệu USD (14 ngàn tỷ đồng) từ SCIC và trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong “tuần APEC” đã liên tiếp lập các đỉnh cao kỷ lục mới nhờ những cổ phiếu trụ cột như Vinamil, Vingroup (VIC), VincomRetail, VCB, VJC, GAS… Hàng loạt các tổ chức nước ngoài thắng lớn trên TTCK. Dòng vốn ngoại tiếp tục tục đổ vào và là động lực để thúc đẩy thị trường đi lên.
Trong tuần qua, VnIndex lọt top 5 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Chỉ số Vn-Index lên bám sát ngưỡng 870 điểm. Tính từ đầu năm tới nay, Vn-Index đã tăng tổng cộng gần 31% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh thứ 6 thế giới.
Bên cạnh VNM, thị trường chứng khoán đã chứng kiến khá nhiều kỷ lục được lập nên khi hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của Vincom Retail (VRE) lên sàn. Thị trường chứng kiến kỷ lục lần đầu tiên gần 1 tỷ USD được giao dịch trong 1 phiên, nhờ khối ngoại đổ cả chục ngàn tỷ vào cổ phiến VRE.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo HSC, mặc dù mặt bằng định giá trên thị trường đã cao nhưng Vn-Index có vẻ vẫn sẽ có một mốc cao khi kết thúc năm. Mặc dù vậy, sự phân hóa trên thị trường trong những tuần gần đây sẽ còn tiếp diễn với một số ít mã bluechips và sẽ có những cổ phiếu đặc biệt tăng mạnh trong khi đa phần cổ phiếu trên thị trường giảm hoặc biến động trong biên độ hẹp.
Còn theo Rồng Việt, nếu các cổ phiếu large-cap đã bùng nổ trong tuần trước tiếp tục duy trì được trạng thái đi lên, hoặc chí ít tích lũy đi ngang trở lại thì nhịp tăng này là khá bền vững, có thể làm tiền đề để thị trường đi lên thêm nữa và nhà đầu tư có thể xem xét tham gia. Ngược lại, nếu việc điều chỉnh xảy ra thì nhà đầu tư cần thận trọng do sau “cú nước rút” vừa rồi, cổ phiếu có thể điều chỉnh sốc nên không cần thiết phải vội vã bắt đáy.
Dòng tiền lớn từ khối ngoại cùng với dòng tiền nội có dấu hiệu chuyển từ ngân hàng sang… cũng là các yếu tố hỗ trợ TTCK.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, VN-index tăng 7,81 điểm lên 868,21 điểm; HNX-Index tăng 0,51 điểm lên 106,37 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 52,78 điểm. Thanh khoản đạt 235 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 6,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú