Con số 15.000 tỷ đồng nằm trên băng rôn tố cáo lừa đảo tiền ảo đang chờ được kiểm chứng lại, nhưng đường đi của số tiền đầu tư này thì lại quá rõ ràng và đã được cảnh báo từ lâu.
Lôi kéo bằng 'bánh vẽ', mác ngoại
Ngày 8/4 vừa qua, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần M.T. tại TP.HCM tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng. Số lượng người bị lừa được cho là lên đến 32.000 người vì đã tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo IFan, Pincoin.
Sự kiện này là được xem là giọt nước tràn ly bởi từ tháng 2, trên các diễn đàn đầu tư trên mạng xã hội, thông tin về IFan lừa đảo xuất hiện ngày một nhiều.
Theo phản ánh của người dân, IFan đã “gắn mác” Singapore, còn Pincoin đến từ Ấn Độ, để lấy niềm tin của nhà đầu tư. Trên website chính thức của IFan, có thể thấy thông tin sơ sài, không đầy đủ, nhưng những tài liệu thiết yếu đều có đủ bằng tiếng Việt. Thị trường chủ lực theo thông tin trên website này, bao gồm Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Người dân biểu tình tố cáo IFan và Pincoin |
IFan bắt đầu chiến dịch tô hồng cho sản phẩm của mình từ giữa năm ngoái, với ý tưởng xây dựng một trung tâm kết nối giữa các nghệ sĩ và người hâm mộ, chẳng hạn như mua bán album ca nhạc, chia sẻ thông tin,...
Thậm chí dự án này còn đưa ra “bánh vẽ” sẽ giúp người dùng nhập tịch Mỹ, hoặc dùng để thanh toán như thẻ Visa, hay sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Sau khi có vẻ ngoài bóng bẩy, đòn “chốt hạ” của IFan chính là mô hình kêu gọi vốn ICO “thời thượng” trong giới công nghệ blockchain hiện nay, kèm theo các gói ủy thác cho vay (lending) lấy lãi và thu hút người tham gia bằng mô hình kinh doanh đa cấp.
Cụ thể, ICO là từ viết tắt của khái niệm phát hành token lần đầu ra công chúng, tương tự với IPO - phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Theo IPO, nhà đầu tư nộp tiền để nắm giữ cổ phiếu, còn với ICO là các token. Đây là khái niệm tiền ảo do chủ đầu tư tạo ra, chỉ sử dụng nội bộ cho đến khi niêm yết trên các sàn giao dịch để buôn bán rộng rãi, hoặc liên kết với các bên thứ 3 để thực hiện thanh toán cho dịch vụ nào đó.
Kèm theo hình thức ICO, IFan còn kêu gọi các nhà đầu tư cho mình vay và cam kết trả lãi, với mức lãi suất không tưởng có thể lên đến 48%/tháng. Theo đó, nhà đầu tư bỏ ra khoảng 1.000-5.000 USD có thể hoàn vốn sau 110 ngày, với lãi suất là 0,1%/ngày, con số này lần lượt là 100 ngày và 0,2%/ngày với số tiền đầu tư từ 5.000-10.000 USD, và tiếp tục tăng lên nếu nhà đầu tư chấp nhận bỏ vốn nhiều hơn nữa.
Để thu hút nhiều người tham gia trong thời gian ngắn, hình thức kinh doanh đa cấp được tận dụng tối đa. Hoa hồng giới thiệu mạng lưới được chia theo cấp độ, lần lượt là 8%, 4%, 2% và tiếp tục với các cấp kinh doanh phía dưới.
Những lời dụ dỗ trên không chỉ lan truyền trên các diễn đàn đầu tư tiền mã hóa, hay “trâu cày”, mà công ty M.T., đơn vị được cho là đại diện của IFan và Pincoin tại thị trường Việt Nam, còn tiếp cận với nhà đầu tư tiềm năng thông qua những sự kiện lớn được tổ chức ở TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu và cả Phnompenh (Campuchia) với quy mô hàng nghìn người tham gia.
Chưa rõ chính xác số tiền huy động được trong vụ này là bao nhiêu, nhưng theo lộ trình công bố ban đầu của IFan, số tiền được chia làm 4 đợt phát hành, với tổng cộng khoảng 180 triệu USD, tức hơn 4.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư 'nắm đằng lưỡi'
Trên thực tế, các cảnh báo bắt đầu được đưa ra. Trước đó, IFan đã dừng gói ủy thác cho vay (lending) vào giữa tháng 1. Từ tháng 2 đến nay, trên mạng xã hội về đầu tư tiền ảo liên tục chia sẻ những bài viết tố cáo về nhóm huy động vốn của IFan tại Việt Nam. Năm ngoái, bản thân ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng phải lên tiếng cảnh báo mình không liên quan đến IFan.
Buổi họp mặt diễn ra trong khách sạn sang trọng với hàng ngàn người tham dự của iFan, được chia sẻ trong một nhóm có 3.000 thành viên. |
Trong cuộc chơi với IFan, nhà đầu tư gần như nắm đằng lưỡi con dao. IFan tự phát hành đồng token, tự định giá đồng tiền này, kiểm soát nguồn cung. Thậm chí sau khi nhận tiền từ nhà đầu tư, IFan còn trả lãi bằng đồng token thay vì tiền Đồng. Vì đồng token của IFan hiện không có giá trị gì trên thị trường, cũng chưa niêm yết trên các sàn giao dịch để có mức giá thị trường, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư mất trắng.
Trong mô hình kinh doanh đa cấp tiền ảo với lợi nhuận cam kết lên đến mức không tưởng, người tham gia hệ thống cần phải tham gia đủ thời gian nhất định mới được thu hồi phần gốc, để tránh sự đổ vỡ khi khách hàng rút tiền trước khi hệ thống huy động đủ tiền. Ở IFan là khoảng 100 ngày, tương đương với Bitconnect, một mô hình tương tự nổi tiếng trên thế giới.
Trên thực tế, mô hình ICO, ủy thác cho vay và kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng lên mạnh mẽ ở Việt Nam thời gian qua. Trong năm 2017, mức giá giao dịch các loại tiền mã hóa đã tăng mạnh, đẩy cao sự hưng phấn và kích thích với những người ham làm giàu nhanh.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều mô hình khác tương tự mà người Việt tham gia, điển hình như Uncoincash, Regalcoin, Oac, Hextracoin, Falcon, Davorcoin,... IFan bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái và không lạ lẫm gì với những người nghiên cứu công nghệ blockchain nói chung và tiền mã hóa nói riêng.
Các cảnh báo đã được đưa ra liên tục nhưng nhiều người vẫn như con “thiêu thân’ lao vào đánh cược vận may và tìm kiếm sự đổi đời từ những hình ảnh hào nhoáng mà người khác giới thiệu. Khi đổ vỡ, chỉ có tầng phía dưới là chịu thua thiệt, còn nhóm phía trên đã kịp tháo chạy.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền ảo và các loại tiền tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảolàm phương tiện thanh toán có thể xử lý hình sự từ ngày 1/1/2018.
Mất trắng tỷ USD vì mô hình ủy thác cho vay và đa cấp tiền ảo Bài học điển hình là cơn sốt đầu tư năm 2017 vào đồng Bitconnect, được biết đến như là một đồng tiền mã hóa thành công nhất trên thế giới (xét về giá trị vốn hóa) không chỉ với mô hình ủy thác cho vay mà còn vì hình thức phân phối đa cấp. Mô hình này cam kết lãi khủng lên đến 30-40% mỗi tháng, tăng dần theo số tiền đầu tư và chế độ lãi suất 7% cho người giới thiệu các thành viên mới. Nhà đầu tư thu lợi từ mức tăng giá của đồng tiền khi lên sàn giao dịch, hai là lợi nhuận từ việc mua gói đào (tức ủy thác cho vay) bằng tiền USD hoặc bằng đồng BCC. Tuy nhiên, sau tròn 1 năm ra mắt, Bitconnect tuyên bố ngừng mô hình ủy thác cho vay, trả lại toàn bộ tiền cho nhà đầu tư nhưng bằng đồng BCC với mức giá quy đổi 363,6 USD. Dù vậy, đồng BCC ngay sau đó đã giảm còn 35 USD/đồngtrên thị trường, nay chỉ còn 1,25 USD/đồng. Giá trị vốn hóa của đồng BCC thời đỉnh cao là gần 2,3 tỷ USD, nay chỉ còn lại 11,7 triệu USD. |
Gia Hưng