Một số chuyên gia cho rằng, lương tối thiểu hiện không còn cần thiết, cản trở phát triển nên cần nghiên cứu bỏ quy định này và thay bằng cơ chế khác. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý nhà nước vẫn giữ quan điểm không thể bỏ quy định về lương tối thiểu.
Rào cản từ lương tối thiểu
TS Futoshi Yamauchi, Chuyên gia Kinh tế cao cấp (Ngân hàng Thế giới) đưa ra tính toán, giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động (LĐ) Việt Nam tăng trung bình 4,4%/năm, nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu lên tới 5,8%/năm. Nghiên cứu này đưa ra tính toán, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32%, số việc làm giảm 0,13%. Đồng thời, lợi nhuận của doanh nghiệp vì đó cũng giảm theo và tác động ngược lại nền kinh tế.
Mới đây, Hội đồng Tiền Lương Quốc gia thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, với mức tăng bình quân 6,5% so với năm 2017. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản trình Thủ tướng xem xét thông qua phương án tăng lương này.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hiện lương tối thiểu được xem như một chính sách bảo trợ xã hội, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người LĐ và giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng 50% LĐ không có hợp đồng lao động, làm việc ở các khu vực phi chính thức, nên không thuộc phạm vi áp dụng chính sách lương tối thiểu. Thực tế, thu nhập của nhóm LĐ này luôn thấp hơn lương tối thiểu.
Do đó, lương tối thiểu sẽ không phát huy vai trò khi được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội, nên cần các chính sách bổ trợ khác. Người đứng đầu Viện VEPR cũng cho rằng, hiện tăng lương tối thiểu tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, nhu cầu sống tối thiểu…
Tuy nhiên, việc đo lường nhu cầu sống tối thiểu của người LĐ còn nhiều tranh cãi. “Hầu hết doanh nghiệp có hợp đồng LĐ đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, do đó tác động tăng lương tối thiểu không nhiều, chủ yếu lại tiêu cực. Như tăng lương sẽ kéo theo tăng giá, tăng mức đóng bảo hiểm, công đoàn, giảm lợi nhuận doanh nghiệp… Nên chúng ta không thể dùng công cụ lương tối thiểu để bảo vệ người LĐ, mà cần công cụ khác hiệu quả hơn”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, quy định về lương tối thiểu được xác định theo tháng, tuần và giờ. Như lương tối thiểu mới đang được xác định theo tháng, khiến việc giám sát tuân thủ khó khăn, đặc biệt đối với người LĐ làm bán thời gian. Ông Thành đề xuất lương tối thiểu nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ và theo năng suất LĐ, thay vì theo tháng như hiện nay.
Vẫn cần lương tối thiểu
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, hiện các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế, tiền lương tối thiểu trở nên “méo mó”.
Theo ông Chính, do lương tối thiểu hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người LĐ, nên phải tăng. “Khi lương tối thiểu đủ cho lao động sống, tăng lương chỉ để bù trượt giá và chia sẻ tăng trưởng kinh tế. Khi đó lương tối thiểu mới về đúng bản chất của mình”, ông Chính nói.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tiền lương tối thiểu như công cụ để đảm bảo an sinh xã hội, áp dụng cho LĐ bình thường trong điều kiện làm việc bình thường. Còn đối với thang bảng lương tại doanh nghiệp là việc giới chủ đàm phán với công đoàn. Hiện nay, trên thế giới vẫn có hơn 100 nước áp dụng cơ chế thỏa thuận lương tối thiểu hằng năm.
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Quan hệ LĐ và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: Hiện lương do người LĐ và chủ sử dụng đàm phán, ký kết. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần quy định lương tối thiểu để người LĐ yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp vẫn có mức lương đủ chi trả mức sống tối thiểu nhất. Ngoài ra, lương tối thiểu chỉ là mức sàn để người LĐ và chủ sử dụng thỏa thuận, mức lương cụ thể phụ thuộc vào tay nghề, kỹ năng, năng suất lao động, điều kiện làm việc…
Theo bà Minh, khi họp tăng lương tối thiểu, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng tính tới tác động tăng lương và việc làm, đặc biệt những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông (như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ). Kết quả, đa số lao động trong những ngành này được trả lương bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, mức tăng lương tối thiểu vài năm gần đây đã chậm lại so với trước, chỉ ở mức 1 con số (chỉ tăng khoảng 6-7%/năm). Điều này do lương tối thiểu đã gần sát với nhu cầu sống tối thiểu. “Mức tăng lương này phù hợp với nhu cầu, mong mỏi của người LĐ nhưng vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển”, bà Minh nói.
Khảo sát về tiền lương, đời sống của người lao động trong các tháng đầu năm 2017, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ có 22,7% người lao động cảm thấy hài lòng với lương hiện nay, 52,4% tạm hài lòng và 24,9% không hài lòng. Về mức sống, có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, 12% thu nhập không thể đủ sống, chỉ có 16,1% có thể có tích lũy từ thu nhập. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể tích lũy. Mức chi tiêu bình quân cho 1 gia đình 4 người (bố mẹ và 2 con) khoảng 9 triệu đồng/tháng. |
(Theo Tiền phong)