Cuối năm 2009, khi thảo luận về Dự thảo Luật Thuế nhà, đất, đa số các đại biểu Quốc hội không tán thành với việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Theo nhiều ý kiến, sắc thuế trực thu này chỉ có khả năng nằm trên giấy vì rất khó thực hiện trên thực tế.

Nhiều ngành kinh tế bị tác động

Sau 7 năm, việc đánh thuế người sở hữu nhà thứ 2 dù mới chỉ là dự kiến của Bộ Tài chính, nhưng đã trở thành vấn đề nóng, được dư luận quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho rằng, đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người mua. Việc đầu tiên là người mua sẽ nghe ngóng xem đánh thuế như thế nào, liệu đầu tư BĐS có lợi không, hay dùng tiền đầu tư vào kênh khác.

Thứ hai là các chuyên gia đều cho rằng, việc đưa nhà ở thứ hai vào diện chịu thuế sẽ có tác động tiêu cực không chỉ đến bất động sản mà còn với toàn diện nền kinh tế. Lý do bất động sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng, vừa là “đầu vào” vừa là “đầu ra” của nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác như xây dựng, vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng,... ), nội thất, vận chuyển, dịch vụ,...

{keywords}

Cần nghiên cứu, đưa ra lộ trình và cách thức đánh thuế bất động sản cho phù hợp (ảnh minh họa).

Đặc biệt, các ngành kinh tế “ăn theo” bất động sản đều là những ngành có tỷ lệ trưng dụng lao động, nhất là lao động phổ thông cao nhất hiện nay. Và bất cứ tác động tiêu cực nào lên ngành bất động sản sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tới nhiều ngành nghề khác.

Khó khả thi

Một điểm mấu chốt là làm sao để biết được một người mua căn nhà thứ 2 hay thứ 3? Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM HoREA - ngay tại TP.HCM, để kiểm soát người mua nhà đã khó rồi, chứ chưa nói là họ mua ở tỉnh này và tỉnh khác. Những nhà đầu tư thứ cấp có thể dùng tên của những người thân hữu để đứng tên, chứ họ không trực tiếp đứng tên.

“Ở Việt Nam, nhược điểm là hệ thống thông tin dữ liệu chưa được sát sao với thực tế nên việc quản lý này sẽ còn rất khó khăn và bất cập. Vì vậy kỳ vọng sắp tới là khi công bố căn cước công dân và chỉ số định danh công dân thì mỗi người sẽ có 1 mã số, mã số này sẽ quản lý thay cho cả hộ khẩu. Lúc đó sẽ quản lý được số nhà mà một người sở hữu. Tuy nhiên để chờ đến lúc đó thì còn rất lâu”, ông Châu cho biết.

Bên cạnh đó, chủ tịch HoREA chỉ ra bất cập ở chỗ giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố lại chỉ bằng khoảng 30% giá đất thực tế trên thị trường, nên mức thuế phải nộp rất thấp so với giá trị thật.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Reenco Sông Hồng, cũng cho rằng, chính sách nào thực hiện cũng không thể vẹn toàn tất cả, khi luật đi vào thực hiện sẽ tồn tại những kẽ hở để nhà đầu tư lách luật.

Còn theo phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc vì còn có nhiều loại tài sản có giá trị lớn khác như ôtô, máy bay, tàu thủy, du thuyền,...

“Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Và đặc biệt, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho Ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu lại không nhỏ”, ở thời điểm đó, ông Hiển đã nhận định.

Cần một lộ trình dài hơi

Thị trường BĐS Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện về luật để phù hợp với các quy định quốc tế. Những nỗ lực đáng chú ý nhất trong việc cải thiện tính minh bạch bất động sản là Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về Nhà ở và Thị trường bất động sản, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Đánh giá của JLL cho rằng, Luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, là hai điều được nhắc đến nhiều nhất - về những thay đổi luật trong thị trường nhà ở, các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã được phép mua nhà. Việc áp dụng thuế với các loại bất động sản thứ hai, thứ ba cũng sẽ là điều cần làm trong tương lai. Tuy nhiên, theo đánh giá các chuyên gia, cần có một lộ trình thực hiện.

Trao đổi với báo chí, TS. Trần Du Lịch nhận định, cần nghiên cứu, có đề án cụ thể, đưa ra lộ trình và cách thức đánh thuế cho phù hợp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà ở. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, đây mới hoàn toàn là vấn đề đưa ra để thảo luận vì mấu chốt là ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã xác nhận: quy định đánh thuế mua nhà thứ 2, thứ 3 mới chưa áp dụng trong năm 2017 và mọi thứ còn chưa rõ ràng. Mọi người không cần quá lo lắng.

Đông Hải