Sacombank đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể tháo bỏ được chiếc “vòng kim cô” đã bó buộc sự phát triển và cản trở ngân hàng này cả về mặt nhân sự và kinh doanh trong vài kỳ đại hội cổ đông gần đây.

Cơ chế đột phá

Giống như rất nhiều ngân hàng khác, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã có một quý kinh doanh đầu năm mới khá ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều thần kỳ có thể nằm ở phía trước khi mà thời “buôn tiền” dễ kiếm còn không bằng cơ hội để phát triển bùng nổ khi mà chính sách được khơi thông.

Sacombank từng được biết đến là ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

{keywords}
Sacombank bất ổn về nhân sự kể từ 2012.

Trước khi sáp nhập SouthernBank, Sacombank là một trong những định chế tài chính bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, có hệ thống mạng lưới rộng, nền tảng cơ bản tốt. Tuy nhiên, sau cú đại gia Trầm Bê thâu tóm Sacombank, sáp nhập SouthernBank vào Sacombank thì ngân hàng này rơi vào một thời gian trì trệ khá dài.

Điều quan trọng đối với ngân hàng này vào thời điểm hiện tại để thoát khỏi sự trì trệ đáng tiếc như trong thời gian vừa qua và có thể phát triển bùng nổ chính là: chính sách, là một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, minh bạch hơn, có tầm hơn.

Hiện tại, theo ông Nguyễn Đức Hưởng - người có tên trong danh sách đề cử vào HĐQT Sacombank, ngân hàng này đang cần 3 cơ chế để tháo bỏ được chiếc “vòng kim cô” và có thể phát triển lấy lại vị thế hàng đầu của mình.

Thứ nhất, Sacombank cần một khoảng thời gian 10 năm hạch toán thoái thu lãi dự thu vào chi phí. Thứ 2 là: giãn thời gian hạch toán giá trị chênh lệch giữa xử lý nợ thực tế và sổ sách các món nợ xấu, chuyển chênh lệch xử lý nợ xấu thành chi phí. Thứ 3 là, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý liên quan đến giấy tờ và thủ tục bán bất động sản bảo đàm tiền vay (đã thế chấp) để thu hồi nợ xấu.

Hai cơ chế đầu được đánh giá là rất hợp lý. Nó giúp các ngân hàng có thể báo cáo đúng thực trạng, lãi bao nhiêu, nợ xấu bao nhiêu, tránh tình trạng báo cáo không đúng mà rất nhiều lãnh đạo ngân hàng lo sợ.

Hai cơ chế đầu nhiều khả năng sẽ được các cơ quan chức năng chấp thuận. Hai cơ chế này là điều kiện rất cần và tốt cho Sacombank, nó giúp tháo được vòng kim cô mấy năm nay bó buộc sự phát triển và cản trở đại hội cổ đông của Sacombank.

Trong khi đó, cơ chế thứ 3 cần có thêm thời gian. Gần đây, nhiều ngân hàng, các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này và cũng đã đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội để có những thay đổi hợp lý.

Thực hư một cú bắt tay các ông lớn

Một trong những vấn đề quan trọng khác có thể giúp Sacombank phát triển bùng nổ chính là một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, minh bạch và có tầm hơn.

{keywords}
Ai sẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch Sacombank.

Tiêu chuẩn đầu tiên của lãnh đạo cấp cao của Sacombank, người sẽ ngồi ghế nóng tại ngân hàng này có lẽ là: người phải có phải bản lĩnh, không coi áp lực là gì! Vì trước, trong và sau khi vào làm việc ở Sacombank, bất cứ ai cũng sẽ gặp đầy rẫy áp lực, phức tạp hơn cả… nợ xấu hiện hành của Sacombank.

Thứ 2, người đứng đầu con thuyền Sacombank phải có tâm, có tầm. Thứ 3 là phải có nghề, có kinh nghiệm lãnh đạo ngân hàng và nếu có kinh nghiệm xử lý kinh doanh bất động sản thì càng hợp hơn với vị trí lèo lái vực dậy Sacombank.

Gần đây, có nhiều nhà đầu tư đặt ra khả năng có một cú bắt tay giữa ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Dương Công Minh (chủ tịch LienVietPostBank và Tập đoàn Him Lam) và ông Đặng Văn Thành (cựu chủ tịch Sacombank).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, ông coi ông Dương Công Minh như anh em ruột vì thương hiệu “Minh Him Lam” và “Hưởng Liên Việt” đã gắn bó trong công việc và cuộc sống. Và ông học hỏi được từ ông Dương Công Minh rất nhiều điều.

“Đối với ông Đặng Văn Thành, trong hệ thống ngân hàng ai cũng biết và chúng tôi đã quen biết từ lâu. Ông Thành là lớp đàn anh của tôi. Tôi đánh giá rất cao công lao của ông Thành ở Sacombank.”

Còn về thông tin ông Hưởng, ông Thành, ông Minh bắt tay nhau, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết ông và ông Thành, ông Minh gặp nhau, bắt tay nhau là chuyện bình thường!

Hồi cuối tháng 4, Sacombank đề cử ông Nguyễn Đức Hưởng vào HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2020. Danh sách đề cử bao gồm các ứng viên HĐQT: ông Nguyễn Đức Hưởng, Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Văn Cựu, Phạm Văn Phong và ứng viên HĐQT độc lập: bà Nguyễn Thị Bích Hồng.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Hưởng đã xin miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch thường trực tại Ngân hàng LienVietPostBank theo nguyện vọng cá nhân.

Gần đây, cổ phiếu STB đã có nhiều phiên tăng giá sau khi có thông tin ông Nguyễn Đức Hưởng về tham gia tái cơ cấu Sacombank sau một thời gian dài ngân hàng này nằm trong tình trạng bất ổn định về nhân sự sau sự cố “Đặng Văn Thành” năm 2012.

Ông Hưởng được biết đến là một người có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông hưởng đã có 25 năm làm việc trong lĩnh vực này và đã để lại dấu ấn cực kỳ ấn tượng tại LienVietPostBank. Ông cũng là người sát cánh cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HimLam nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, trong suốt quá trình phát triển của ngân hàng.

M. Hà