Một doanh nghiệp Việt xác nhận đã mua đứt và đang sở hữu một ngân hàng tại Mỹ. Tập đoàn này có nhiều dự án tại Việt Nam, Mỹ và đang có đề xuất thâu tóm trên 50% cổ phần của một doanh nghiệp lọc dầu trong nước quy mô vài tỷ USD.
Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành tiếp tục đăng tin xác nhận thông tin sở hữu Ngân hàng Oakwood State Bank, một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 118 năm.
Thông tin về Oakwood State Bank rất ít trên các trang báo và tài chính của Mỹ bởi đây là một trong những ngân hàng nhỏ nhất tại Mỹ. Trên trang web của Tín Thành cũng xác nhận, Oakwood State Bank là một trong những ngân hàng lâu đời nhất tại Mỹ (thành lập 1900) nhưng là một ngân hàng nhỏ, chỉ có duy nhất một chi nhánh là một tòa nhà bằng tại Oakwood, Texas.
Thông tin mới nhất trong báo cáo tài chính được ibanknet.com công bố thì, Oakwood State Bank được thành lập năm 1900. Vào thời điểm báo cáo, Oakwood State Bank có 1 văn phòng và có 21 nhân viên. Tổng tài sản là hơn 34,8 triệu USD, tổng vốn cổ phần là gần 27 triệu USD, tiền gửi tại ngân hàng là hơn 8 triệu USD…
Gần đây có thông tin Oakwood State Bank mở thêm chi nhánh tại Dallas.
Theo một chuyên gia tài chính, việc mua bán các doanh nghiệp và cả các ngân hàng khá dễ dàng. Trước đó, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã mua thị trấn Buford (thuộc bang Wyoming, Mỹ) với giá 900.000 USD.
“Đại gia” thâu tóm ngân hàng Mỹ lần này là ông Trần Đình Quyền, người hiện là chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tín Thành. Thương vụ giao dịch trên đã được thực hiện vào tháng 9/2016. Hiện tại, ngân hàng Mỹ đã được đổi tên là Tín Thành Oakwood Bank Corp.
Tín Thành được thành lập đầu năm 2017, tiền thân là công ty Điện hơi Công Nghiệp Tín Thành. Tín Thành Group tự giới thiệu có 25 năm trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao.
Thành đoàn này gần đây dánh tiếng mua cổ phần chào bán tại Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn - BSR (chủ đầu tư Lọc dầu Dung Quất) và xa hơn là mua 55% cổ phần BSR trong vòng 12 tháng sau khi IPO.
Tín Thành Group mua và thuê 100.000 ha đất tại tiểu bang Texas và Frolida của Mỹ, tiến đến khai thác 1 triệu ha để trồng cây cao lương ngọt, 3 vụ 1 năm.
V. Hà