Dòng tiền bất ngờ ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán đã kéo các cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh và chỉ số chứng khoán lên mức cao nhất trong gần 10 năm. Có những phiên, tổng giá trị giao dịch lên tới 6.000 tỷ đồng, con số hiếm thấy trên TTCK Việt Nam.
Dòng tiền thêm ngàn tỷ
Sau một khoảng thời gian chùng lại do lo ngại dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể chảy ra khỏi Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước bất ngờ sôi động trở lại. Sức cầu rất lớn từ khối ngoại khiến hàng loạt cổ phiếu blue-chip tăng giá. Chỉ số VN-Index tăng vọt và lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm vượt ngưỡng 720 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 24/3, VN-Index tăng 1,5 điểm lên 721,06 điểm sau khi đã tăng gần 7 điểm trong phiên liền trước. Đây là mức cao nhất hơn 9 năm qua, kể từ sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.
Dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán trong 3 tháng đầu năm 2017. |
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu hàng tiêu dùng,... tăng mạnh. Chỉ trong vòng 2 tuần, cổ phiếu blue-chips VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã tăng từ dưới 130.000 lên trên 140.000 đồng/cp.
Các cổ phiếu ngan hàng như VCB của Vietcombank, STB của Sacombank, cổ phiếu bất động sản VIC của Tập đoàn Vingroup, cổ phiếu hàng tiêu dùng MSN của Tập đoàn Masan,... đều tăng cao. Trong đó, nhiều cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất nhiều.
Điểm nổi bật trong tuần chính là xu hướng dòng tiền đổ vào TTCK tăng mạnh. Thay vì ở mức 2.000-3.000 tỷ đồng/phiên như trong các năm trước, mỗi phiên giao dịch gần đây thanh khoản đều thường xuyên trên 4.000 tỷ đồng, có những phiên tổng giá trị giao dịch lên tới gần 6.000 tỷ - một con số hiếm thấy trên TTCK Việt Nam.
Tính chung từ đầu năm tới nay, thị trường đã tăng khoảng hơn 8%. Tuy nhiên, dòng tiền chưa có xu hướng suy giảm. Khối ngoại gần đây thậm chí còn tăng mạnh mua vào, mỗi phiên đạt 200-300 tỷ đồng.
Khối ngoại đã mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, với tổng giá trị lên tới cả chục ngàn tỷ đồng - một hiện tượng hiếm thấy trong bối cảnh đồng USD được dự báo sẽ tăng theo đà tăng lãi suất của Mỹ.
Trước đó, trong năm 2016, TTCK cũng đã chứng kiến một bước tăng trưởng đột phá cả về giá và quy mô vốn. Chỉ số VN-Index đã tăng tổng cộng gần 15%. Hàng loạt các cổ phiếu lớn lên sàn như Sabeco, Habeco, VietJetAir, ACV,... đã giúp VN-Index vượt và trụ vững trên mốc 600 điểm, với hàng loạt các cổ phiếu lớn như VCB, VIC, CTG, VNM,... ghi nhận mức giá cao kỷ lục mọi thời đại.
Tới thời điểm này, không những mốc 600 điểm mà ngưỡng 700 điểm cũng trở thành nên khá vững chắc. Sự lớn mạnh về quy mô và sự gia tăng giá cổ phiếu là tiền đề để TTCK có được một thị trường vốn hòa nhập được vào trong khu vực và thế giới.
Triển vọng sáng sủa
Ông Bùi Tiến Đức, chuyên viên tư vấn đầu tư, Team Phân tích Biên an toàn, VnDirect Securities TP.HCM, cho rằng, những diễn biến tích cực của TTCK trong thời gian gần đây một phần là nhờ vào sức cầu khối ngoại. Việc các NĐT mua mạnh đã tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Chứng khoán được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017. |
Theo ông Đức, không chỉ quỹ ETF (đầu tư theo chỉ số), các quỹ đầu tư P-note của nước ngoài (quỹ có xu hướng đầu cơ) cũng đang giải ngân vào các cổ phiếu lớn, cổ phiếu blue-chips trên TTCK. Bên cạnh đó, việc đại gia F&N của Thái Lan mua cổ phiếu Vinamilk với giá cao hơn thị trường và đang tiếp tục mua cổ phiếu ngành sữa Việt Nam cũng tạo tâm lý tốt trên TTCK.
Hiện Vinamilk là trụ cột trên thị trường do vậy mỗi khi cổ phiếu này tăng mạnh, VN-Index thường lên theo.
Theo ông Bùi Tiến Đức, TTCK đang ở một chu kỳ tăng trưởng mới. Ông Đức lạc quan về triển vọng thị trường sắp tới bởi nền kinh tế đang phát triển tốt. Quy mô TTCK ngày càng lớn mạnh nhờ nhiều cổ phiếu lớn lên sàn.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế gần đây đã có những nhận định khá tích cực về nền kinh tế Việt Nam với kỳ vọng Việt Nam sẽ có động lực tăng trưởng mới, thay cho lao động giá rẻ và xuất khẩu.
Theo GS. TS. Ngô Thắng Lợi (ĐH Kinh tế Quốc dân), luồng gió mới cho tăng trưởng kinh tế chính là cam kết về một chính phủ kiến tạo. Tư duy và phương pháp điều hành cũng đã được thay đổi.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng, các NĐT nước ngoài đang đánh giá khác tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Song họ cũng lo ngại về độ minh bạch của TTCK. Đây là lý do khiến việc nâng hạng TTCK sẽ khó diễn ra sớm, khiến sức hút với các NĐT tài chính suy giảm.
Một số chuyên gia cũng băn khoăn về triển vọng TTCK thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu e sợ những yếu tố khó lường trên thị trường tài chính thế giới. Lạm phát tăng mạnh vài tháng gần đây, vượt mục tiêu 4% cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và TTCK.
Hiện tượng lãi suất tăng và dấu hiệu thị trường bất động sản phân khúc cao cấp phát triển nóng, dư thừa,... cũng có thể là yếu tố tác động tới TTCK.
Ở chiều ngược lại, cũng có một số cảnh báo về rủi ro TTCK điều chỉnh giảm sau một đợt tăng mạnh vừa qua.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, chứng khoán Mỹ có thể đảo chiều giảm mạnh sau khi liên tiếp lập kỷ lục cao mọi thời đại, nếu trong vòng 2-3 tháng tới tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa ra được các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cụ thể và hợp lý.
M. Hà