Chi ngân sách vẫn bộn bề nhiều nỗi lo, đã thiếu tiền còn sử dụng chưa hiệu quả. Do vậy, nhiều biện pháp siết chặt chi tiêu đã được áp dụng, như khoán xe công, không làm lễ khởi công động thổ hoành tráng, tinh giản biên chế, xử lý lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, để mất vốn,...
"Giải thiêng" quyền lực xe công
Cả chục năm về trước, cụm từ “khoán xe công” đã được nhắc đến và khuyến khích quan chức nhận khoán. Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện, số quan chức nhận khoán xe công vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng, việc mua sắm và sử dụng xe công tràn lan đã khiến chủ trương đó chưa bao giờ được thực thi mạnh mẽ trên thực tế.
Nhưng chuyện khoán xe công bắt đầu nóng trở lại khi tháng 10/2016, Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ này. Thời điểm đó, hình ảnh vị thứ trưởng đi làm bằng taxi và cho rằng xe nào cũng là xe, đi taxi cũng thoải mái và tiện như ô tô biển xanh đã gây ấn tượng rất mạnh.
Mua sắm xe công sẽ được kiểm soát chặt hơn. |
Chủ trương khoán xe công đã tiến thêm một bước mới khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công, mở rộng phạm vi áp dụng cho các bộ, ngành, địa phương.
Từ chỗ chỉ xuất hiện ở một quyết định của Thủ tướng, cụm từ “khoán xe công” đã được nêu rõ trong một bản dự thảo Nghị định với giá trị pháp lý cao hơn hẳn.
Điểm đáng chú ý nhất là cấp Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục trưởng, lãnh đạo tập đoàn,... không thuộc diện được trang bị xe ô tô riêng. Thay vào đó, sẽ được khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác thì được dùng xe phục vụ công tác chung.
Tổng số xe công hiện có đến ngày 31/12/2016 là 37.286 chiếc, để sở hữu số xe công này ngân sách đã phải chi ra tới gần 24.000 tỷ đồng.
Đó là chưa kể, mỗi năm, ngân sách phải chi ra cả chục nghìn tỷ để “nuôi” xe công. Tính trung bình, mỗi chiếc xe công “ngốn” 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe,... ). Hơn 37.000 chiếc xe công tiêu tốn khoảng gần 13.000 tỷ/năm, bằng số thu ngân sách trong 1 năm của nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang,... cộng lại.
Với việc khoán xe công được mở rộng, dự kiến ngân sách có thể tiết kiệm được khoảng 3.400 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, việc cắt giảm các khoản chi không cần thiết đã được quán triệt ở cấp cao nhất của Chính phủ. Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017 cho các bộ, cơ quan, đơn vị.
“Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương”, Chính phủ yêu cầu, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Bộ máy còn cồng kềnh. |
Còn nhiều việc phải làm
Trong khi ngân sách khó khăn, phải vay nợ khắp nơi, nợ công rình rập nhiều “hiểm nguy” thì những biện pháp cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết là điều hợp lý. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực hiện là cả một khoảng cách dài.
Đơn cử, chủ trương cắt giảm biên chế, cả chục năm “phát động” vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Sau tinh giản, lượng công chức, viên chức vẫn phình ra. Chẳng hạn, số lượng viên chức năm 2011 là hơn 1,9 triệu người, thì năm 2016 tăng lên gần 2,1 triệu người.
Trong khi đó, không ít người vẫn bắt gặp hình ảnh một bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Vì thế, số tiền phải chi để duy trì bộ máy vẫn chiếm tới khoảng 70% chi ngân sách mỗi năm, số ít ỏi còn lại chi cho đầu tư.
Đáng nói là, ngay cả phần chi cho đầu tư, một phần không nhỏ từ vay nợ, lại chưa được sử dụng hiệu quả.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 25/8, có 43 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Nhưng thống kê ấy còn chưa tính cả 12 dự án của ngành Công Thương, tính thêm vào thì con số này có thể lên đến hơn 100.000 tỷ.
Tất nhiên, nó cũng chưa tính đến những Vinashin, Vinalines và nhiều DN có vốn nhà nước khác.
Điểm lại một vài mặt được và chưa được trong việc sử dụng tiền ngân sách - tiền thuế của dân - để thấy rằng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Giữa mong muốn và thực tế triển khai vẫn còn là khoảng cách không dễ gì xóa bỏ.
Nhưng, từ việc thay đổi trong khoán xe công, từ việc xử nghiêm các lãnh đạo DNNN ở những dự án kém hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự thay đổi thời gian tới. Ở đó, bộ máy phục vụ nhân dân hiệu quả hơn, từng đồng tiền thuế của dân được chi đúng mục đích hơn.
Có như vậy, Việt Nam mới không bị “giẫm chân vào chiếc bẫy thu nhập trung bình”, mới không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh.
Lương Bằng