Dòng tiền ngoại rập rình đổ vào ở đỉnh cao thập kỷ khiến giới đầu tư trong nước khó lường. Trong khi các đại gia Việt giật mình vì quá nhiều tiền và khối tài sản ngày càng phình ra. Nhiều người sắp thành tỷ phú USD.

Chưa ngừng lại, mỗi khi thị trường chứng khoán chùng lại, khối các nhà đầu tư nước ngoại lại đổ tiền vào hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành cho dù hầu hết đang nằm ở mức giá cao kỷ lục. Điều này khiến cho giới đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ trụ vững trên ngưỡng cao thập kỷ trên 800 điểm và bữa tiệc chứng khoán mới chỉ bắt đầu.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long có phiên lập kỷ lục cao mọi thời đại thứ 3 liên tiếp. Cổ phiếu này tăng lên mức 38 ngàn đồng/cp. Đây là mức giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà cổ phiếu này ghi nhận kể từ khi lên sàn năm 2007.

Sau 10 năm, từ một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng nhưng quy mô khá khiêm tốn, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long đã trở thành một doanh nghiệp có quy mô vốn gần 58 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 2,5 tỷ USD). Doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/năm.

{keywords}
Thị trường chứng khoán trước bước ngoặt thập kỷ.

Với gần 382 triệu cổ phiếu HPG, ông Trần Đình Long đang sở hữu khối tài sản trị giá gần 637 triệu USD, tăng tròn 200 triệu USD so với cách đây đúng 6 tháng. Ông trùm ngành thép Trần Đình Long đang có một bước tiến dài nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của HPG trong 6 tháng đầu năm cũng như triển vọng cả năm và lâu dài.

Các cổ phiếu ngành thép đang được hưởng lợi từ một thị trường bất động sản, xây dựng sôi động và một nền kinh tế đang được hỗ trợ tín dụng để tăng trưởng khá tốt. Giới đầu tư còn kỳ vọng vào một dự án thép mới của tập đoàn này: Dung Quất.

Không chỉ HPG, khối ngoại vẫn đang đẩy mạnh mua vào nhiều cổ phiếu trụ cột trong các ngành như: Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng, Vietinbank (CTG), Viglacera (VGC), ACV…

Cổ phiếu đầu ngành công nghệ FPT của ông Trương Gia Bình trong khi đó lại được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm sau thương vụ tập đoàn này bán một phần mảng công nghệ cho nước ngoài.

FPT của ông Trương Gia Bình vừa thu về hơn 2 ngàn tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading, 2 doanh nghiệp bán lẻ của tập đoàn này, cho các đối tác nước ngoài là Synnex và một số quỹ có liên quan với Dragon Capital và VinaCapital.

Doanh nghiệp của ông Trương Gia Bình sẽ gia nhập nhóm những công ty có lượng tiền mặt khủng nhất trên sàn chứng khoán. Đây cũng được xem là bước ngoặt đối FPT. Doanh nghiệp này có thể sẽ có những quyết định về khoản tiền mặt khổng lồ của mình trong thời gian tới.

Nhóm các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hấp dẫn, trong khi đó nhóm bất động sản điều chỉnh sau nhiều phiên tăng giá mạnh.

Hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là sức cầu trong và ngoài nước có đủ mạnh để giúp thị trường tăng được tiếp hay không sau khi đã lên đỉnh cao 10 năm. Áp lực chốt lời là rất lớn. Mặc dù vậy, nhìn chung thị trường không điều chỉnh giảm quá mạnh, thậm chí vẫn đang nhích từng bước đi lên. Đây là một điểm khác biệt và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Hàng loạt các đại gia giàu kỷ lục như ông Trần Đình Long, Nguyễn Đức Tài, Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Duy Hưng… có thể còn chứng kiến túi tiền của mình gia tăng về quy mô nhờ dòng tiền nội và ngoại vẫn đang âm thầm đổ vào.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Sức cầu của khối ngoại và triển vọng tốt của các doanh nghiệp đầu ngành đang nâng đỡ thanh khoản và thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến thị trường khó tăng mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/9, VN-index giảm 1,94 điểm xuống 805,93 điểm; HNX-Index giảm 0,4 điểm xuống 104,73 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 54,44 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,5 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú