- Hiện nay dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 20 (NĐ 20) quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính chưa làm rõ thêm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 tại Nghị định này. Trường hợp Thông tư không cụ thể hóa thêm quy định tại Khoản 3, Điều 8 sẽ làm phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định này.

Cần cụ thể hóa thêm

Gần đây, những quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ thuế không quá 20% đã gây sự chú ý của nhiều DN, chuyên gia. Cụ thể, Khoản 3, Điều 8, NĐ 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

{keywords}

Những quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ thuế không quá 20% đã gây sự chú ý của nhiều DN, chuyên gia

Một chuyên gia của Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: Theo nội dung này nếu xét về câu chữ thì áp dụng cho người nộp thuế nói chung chứ không phải chỉ dành riêng cho các DN có phát sinh giao dịch liên kết?

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ernst&Young Việt Nam - công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn cho biết : Hiện nay dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ 20, Bộ Tài chính không làm rõ thêm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 nêu trên. Trường hợp Thông tư không cụ thể hóa thêm quy định tại Khoản 3, Điều 8 sẽ làm phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định này.

Cụ thể, theo bà Hương Vũ, hiện vẫn chưa rõ DN có được bù trừ giữa thu nhập từ cho vay và chi phí lãi vay để xác định chi phí lãi vay ròng bị khống chế hay không.

Dẫn Hành động 4 trong chương trình hành động BEPS (chống xói mòn nguồn thu), các chuyên gia cho rằng: Tổng chi phí lãi vay cần được hiểu là sau khi đã bù trừ với thu nhập từ lãi vay để đảm bảo phản ánh đúng chi phí vốn của DN, đồng thời nhìn nhận việc các công ty đa quốc gia/ tập đoàn lớn có thể tập trung vay vốn tại một thị trường hoặc thông qua một công ty chuyên huy động vốn để giảm chi phí huy động vốn tối đa.

“Nếu Thông tư không hướng dẫn cụ thể hơn, với ngôn ngữ hiện tại của Nghị định là “tổng chi phí lãi vay” thì các cơ quan thuế địa phương hoàn toàn có thể áp dụng chỉ tiêu tổng lãi vay chưa bù trừ với thu nhập lãi vay”, Bà Hương Vũ băn khoăn. Vì thế, thiết nghĩ Bộ Tài chính nên làm rõ khái niệm “chi phí lãi vay” là sau khi đã bù trừ với thu nhập cho vay.

Nên quy định “mở” hơn

{keywords}

Nghị định 20 có hiệu lực kể từ 1/5/2017

Ngoài ra, với quy định hiện hành, khi công ty có EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) âm thì không tính được mức khống chế chi phí lãi vay và có thể hiểu toàn bộ chi phí vay của DN sẽ không được chấp nhận.

Bà Hương vũ cho rằng cách áp dụng như vậy là không hợp lý. Bởi vì các DN mới thành lập thường cần vài năm mới có thể đi vào sản xuất ổn định và có lãi. Ngay cả các DN đang hoạt động cũng có thể rơi vào tình trạng lỗ khi tình hình thị trường biến động và các rủi ro vĩ mô khác. Nếu không chấp nhận toàn bộ chi phí lãi vay của DN thì vô hình trung Chính phủ đang nhìn nhận lý do duy nhất DN có EBITDA âm là do giá chuyển nhượng, hay không thừa nhận sự tồn tại của rủi ro trong kinh doanh.

Đó là chưa kể, một số ngành nghề đặc thù có vốn đầu tư lớn (ví dụ đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản), thời gian đạt tới điểm hòa vốn dài. Cho nên việc loại toàn bộ và vĩnh viễn chi phí lãi vay khi EBITDA âm sẽ làm tăng đáng kể chi phí vay của DN, làm sai lệch bản chất kinh tế bằng chính sách hành chính của Chính phủ trong khi bản thân chính sách đó lại nhằm vào mục đích quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết chứ không nhằm tạo ra khuyến khích hay không khuyến khích phát triển một số ngành.

Chính vì thế, đề nghị Bộ Tài chính xem xét một số biện pháp tháo gỡ phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, cho phép DN chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế. Thời gian chuyển có thể xem xét là 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với kỳ chuyển lỗ.

Đối với các tập đoàn trong nước, Bộ Tài chính nên cân nhắc để đảm bảo tổng chi phí lãi vay của tập đoàn với bên thứ 3 được khấu trừ với lý do đây là chi phí vốn thực của tập đoàn.

“Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế trong nước còn non trẻ và nhu cầu vay vốn để phát triển mở rộng là có thực, ngoài ra Chính phủ đã có các chính sách về tài chính ngân hàng để đảm bảo môi trường tín dụng lành mạnh, quy định thuế không nên tạo thêm gánh nặng trên chi phí vay cho DN, đồng thời vẫn xử lý để đạt được mục đích quản lý thuế”, bà Hương Vũ bình luận.

Nghị định 20 có hiệu lực kể từ 1/5/2017. Việc áp dụng khi tính chi phí của năm theo ngày hiệu lực của NĐ có thể làm tăng tính phức tạp của việc tính toán, tăng thời gian và chi phí tuân thủ của DN. Mặt khác, thay đổi này là lớn và có ảnh hưởng nhiều đến DN nên DN cần thời gian để xem xét tái cơ cấu lại nguồn vay cho phù hợp với quy định. Nếu áp dụng từ kỳ tính thuế 2017, DN sẽ không có thời gian làm việc đó. Do vậy, theo bà Hương Vũ, Bộ Tài chính nên cân nhắc lại thời điểm áp dụng cho phù hợp đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc xác định chi phí trong năm.

Hoài Nam