Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước.

Đề nghị tăng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính từ 1/1/2019 đang khiến nhiều người lo ngại gánh nặng thuế phí đặt lên vai người dân và DN.

Thu nhập trung bình, thuế phí cao

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính mới chỉ so sánh mức thuế GTGT của các quốc gia trên thế giới với Việt Nam, mà chưa xem xét các yếu tố khác. Hầu hết các quốc gia có thuế GTGT cao hơn Việt Nam đều có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều lần.

Chẳng hạn các nước thuộc EU, hay OECD, đều là các quốc gia có thu nhập cao. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2016, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.

{keywords}

Theo WB, người dân Việt Nam làm được 10 đồng phải nộp thuế gần 4 đồng.

Nếu so với thu nhập bình quân của các nước trong khối EU hay OECD đều thấp hơn từ 10 tới trên 20 lần. Với thu nhập bình quân đầu người thấp, lại muốn nâng thuế GTGT lên, thì gánh nặng thuế phí sẽ tăng thêm.

Còn so với khu vực ASEAN, các nước Lào, Campuchia có thu nhập GDP thấp hơn Việt Nam, có mức thuế GTGT 7-10%, Philippines có mức thuế GTGT 15%, nhưng GDP bình quân đầu người ở mức 3.000 USD, cũng gần gấp rưỡi Việt Nam.

Số liệu thống kê từ Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, tỷ lệ đóng thuế phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm ở mức 20%, có giảm so với trước nhưng vẫn cao hơn Thái Lan 16%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%,...

Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước.

Trao đổi với PV.VietNamNet gần đây, TS. Nguyễn Đức Thành (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhìn từ góc độ kinh tế học, về thống kê tổng thể, Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân, tính trên tổng thu nhập của xã hội rất cao. Có thể nói là cao nhất, so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển.

Nếu chỉ nhìn vào một số loại thu cơ bản thì thuế suất không phải là cao lắm. Ví dụ như thuế thu nhập DN, hay thu nhập cá nhân, tỷ lệ huy động chưa phải là cao. Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều khoản thu khác để tái bổ sung nguồn thu, như phí môi trường, phí đường bộ, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt,...

Còn theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, do Ngân hàng Thế giới công bố, tỷ lệ huy động thuế phí đối với DN ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng. Ngân hàng Thế giới cho rằng, đây là một gánh nặng, làm giảm sức cạnh tranh của DN.

{keywords}
Mặt hàng nước ngọt có gas đang bị đề nghị đánh thuế 10%

Dồn vào tăng thu nội địa

Trong khi các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm dần do Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế; thu từ dầu thô trải qua giai đoạn thấp điểm và dự báo sẽ giảm dần mức độ đóng góp vào ngân sách. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã đưa ra hướng đẩy mạnh tăng thu nội địa.

Xu hướng thu nội địa ngày một tăng lên, đang gây lo ngại về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và DN.

Điển hình, như với xăng dầu, thời gian qua, khi thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính đã ngay lập tức đề xuất, tăng thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng này, tối đa lên 8.000 đồng/lít.

Trước đó, Bộ Tài chính đã từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga mức 10%, song có nhiều ý kiến phản đối nên thôi. Nay Bộ tiếp tục đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này lên 10%, với lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó thuế môn bài, cũng từng được đề xuất chuyển thành phí và tăng lên gấp 3 lần.

Với người dân, trong khi thu nhập thấp, lại chịu thuế, phí cao, sẽ dẫn đến phải tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác, phúc lợi sẽ bị giảm đi. Không chi tiêu nhiều thì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và kinh tế sẽ không phát triển.

Còn với DN, trên 90% có quy mô nhỏ, khoa học công nghệ lạc hậu, tài chính hạn chế, lại phải gánh mức thuế, phí cao, đương nhiên sẽ yếu thế, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh, nhất là giai đoạn hiện nay, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất vay vốn tại Việt Nam hiện cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực sẽ khiến cho DN khó tiếp cận vốn vay, suy giảm khả năng cạnh tranh. DN vốn đã nhỏ bé, lại gặp khó khăn từ những chính sách bất lợi, chắc chắn sẽ liêu xiêu. Khi DN liêu xiêu thì nguồn thu về dài hạn sẽ khó bền vững, bởi nó đã không được nuôi dưỡng và căng thẳng ngân sách khó tránh nổi, khiến cho nợ công tiếp tục tăng cao.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều cơ bản đạt và vượt dự toán.

Trong khi, thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010 tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015; đặc biệt, năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách.

Năm 2016, thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán. Trong đó, thu NSĐP đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu NSTW cơ bản đạt dự toán.

Thu ngân sách hàng năm vẫn tăng đều, nhưng chưa bao giờ đủ chi.


Trần Thủy