Tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai. Trong đó, nhiều địa phương vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối ở các DN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ chi phối.

Nhiều “bom tấn” cổ phần hóa

Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn đang đi vào thực chất, có chiều sâu khi số doanh nghiệp (DN) chiếm tỷ lệ thấp xét theo số lượng nhưng phần vốn nhà nước bán được nhiều và số tiền thu về gấp nhiều so với thời gian trước.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quan trọng là lợi ích thu được sau khi cổ phần hóa

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm 2018, số tiền thu được từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) các DN nhà nước đạt được gần 22.500 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2017 (5.192 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu tính tổng số tiền thu từ cổ phấn hoá lẫn thoái vốn từ năm 2016 đến nay thì cũng đạt mức cao với 198.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần của cả giai đoạn 2011-2015.

“Từ đầu năm đến nay, một loạt DN mà báo chí gọi là “bom tấn” đã cổ phần hoá như các Lọc hoá dầu Bình Sơn, Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu VN. Đây đều là các DN lớn, độ thoái vốn sâu”, ông Huệ nói.

Tuy vậy, Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN lại cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai và cần nỗ lực lớn hơn trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành cao nhất kế hoạch đề ra của năm 2018.

Theo kế hoạch, TP.HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp (lần lượt chiếm 61% và 17,1% kế hoạch cổ phần hóa năm nay của cả nước), nhưng đến nay chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn như: Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bình Định, Bắc Giang,... vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả.

Đáng chú ý là, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ danh mục DNNN thực hiện sắp xếp gồm 240 doanh nghiệp.

Trong đó, có 103 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Thế nhưng, tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nhiều lãnh đạo địa phương vẫn muốn có “cơ chế đặc thù” để giữ lại những DNNN thuộc diện cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm quyền chi phối.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị cho phép Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở một số DN mà vị này cho là “đặc thù” như vận tải, chiếu sáng... Dù rằng đây là những DN không nằm trong danh mục Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối.

Ông Toản cho rằng điều này là “phù hợp thực tế địa phương”.

Đại diện Bộ Quốc phòng nêu thực tế nhiều DN thuộc Bộ Quốc phòng thuộc diện Nhà nước không nắm cổ phần chi phối nhưng các DN này lại hoạt động ở những lĩnh vực cơ yếu. Nếu cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì “rất nguy hiểm”.

{keywords}
Cổ phần hóa Lọc dầu Dung Quất được coi là một thương vụ “bom tấn”

Trước băn khoăn của các bộ ngành địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nếu địa phương, bộ ngành nào có DN cần phải nắm giữ cổ phần chi phối thì trình Chính phủ xem xét.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành địa phương đều “kêu ca” một trong những lý do khiến cổ phần hóa chậm chạp là liên quan đến đất đai do các DNNN quản lý, sử dụng.

Thị trường chứng khoán đi xuống, có nên bán vốn tiếp?

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho biết vừa qua SCIC đã bán 7 doanh nghiệp thì 5 DN thành công, còn 2 DN nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng sau đó thấy “hớ” nên đã rút lui, bỏ cả tiền cọc.

Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho hay việc bán vốn diễn ra khi TTCK thuận lợi nên có DN bán được hơn 10 nghìn/cổ phiếu, có DN bán được hơn 28 nghìn/cổ phiếu. Vừa bán xong thì thị trường đi xuống nên giá cổ phiếu các DN này cũng xuống theo.

Chủ tịch SCIC cũng nêu rõ thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến công tác IPO (niêm yết trên sàn chứng khoán). Vì thế, trường hợp thị trường đi xuống mà ảnh hưởng quá nhiều đến lợi ích Nhà nước thì nên xem xét lại từng trường hợp cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Chi cũng nêu ra một loạt khó khăn khi xác định giá trị DN. Ông Chi đề nghị phải đưa lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm, đưa lợi thế về thương hiệu, văn hóa vào giá trị DN.

Nhưng ông Chi thừa nhận điều này là “khó đấy”, vì chưa có văn bản hướng dẫn.

“Nêu không có tiêu chuẩn cho các nội dung đó thì sẽ cản trở quá trình thực hiện vì anh em băn khoăn, sợ rủi ro, không dám đưa ra quyết định”, ông Chi giãi bày.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không thể hy sinh chất lượng để lấy tiến độ, quan trọng là lợi ích thu được sau khi cổ phần hóa, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Các DNNN phải cổ phần hóa trong giai đoạn này đều có quy mô rất lớn. Đặc biệt, việc thống kê, rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn nên phải làm thận trọng, chặt chẽ. Số lượng doanh nghiệp phải được kiểm toán, xác định và công bố giá trị doanh nghiệp tăng lên nhiều.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại theo kế hoạch đề ra.

Hà Duy