Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH, thừa nhận có sự không công bằng trong việc đóng - hưởng BHXH tại Việt Nam.

Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nêu bất cập về sự thiếu công bằng trong việc hưởng lương hưu của nhiều đối tượng hiện nay.

Theo ông Giang, việc điều chỉnh tăng lương hưu nhiều năm qua theo cách cào bằng dẫn tới có sự chênh lệch lớn giữa lương hưu của nhiều đối tượng. Ông Giang lấy ví dụ, 3 người hưởng lương vào năm 2002 với các mức lần lượt là 200.000 đồng; 1 triệu đồng và 10 triệu đồng (trong một tháng). Nhưng sau các lần điều chỉnh lương, đến năm 2017, sự chênh lệch lương hưu của 3 người này là rất lớn, cho dù khoảng cách lương của họ trong năm 2002 không nhiều.

{keywords}

Theo đó đến năm 2017, ba người nhận lần lượt lương là 1,8 triệu đồng, 8,6 triệu đồng và 85 triệu đồng. Như vậy, có người hưởng lương chỉ 1,8 triệu, trong khi có người hưởng tới 85 triệu đồng. Chính sách cào bằng trong điều chỉnh tăng lương hưu đang là một trong những bất cập hạn chế của BHXH hiện nay.

Lãnh đạo Vụ BHXH nhìn nhận hiện nay Việt Nam đang có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hàng tháng. Đến năm 2030, dự kiến có thêm 5,4 triệu người hưởng lương từ quỹ. Đến năm 2050, sẽ có thêm 10 triệu người nữa.

Độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 57 tuổi nhưng thực tế là 54 tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình khoảng 78 tuổi. Do đó, thời gian hưởng khoảng 25 năm, trong khi thời gian đóng chỉ khoảng 28 năm.

Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ BHXH. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước tồn tại thực tế người đóng BHXH ít lại được hưởng nhiều lương hưu.

Một đại diện khác đến từ BHXH Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận BHXH hiện nay chưa có sự chia sẻ.

“Có những người đóng không đủ cho mình hưởng. Một số nước chỉ đóng 10 năm sao người ta đủ. Chúng ta đóng nhiều nhưng vẫn không đủ cho mình. Bản thân công thức tính đóng lương hưu, chia sẻ với nhau vẫn chưa hợp lý. Đây là vấn đề rất lớn, cần phải có một bộ công thức để những người đóng lương hưu chia sẻ và công bằng với nhau”, vị này cho biết.

{keywords}
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận không có nước nào trên thế giới mà người tham gia BHXH đóng ít lại hưởng nhiều như ở Việt Nam.

Ông Nuno Meria Simoes da Cunha, chuyên gia an sinh xã hội của ILO khu vực Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh Việt Nam cần tránh những thay đổi với chương trình BHXH hiện tại, cần cải cách từng bước. Nên khuyến khích tăng số người đóng góp/chính thức hóa nền kinh tế.

Vị này đưa ra một số phương án trong việc cải cách chính sách BHXH, trong đó tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi cho cả nam và nữ từ năm 2018, mỗi năm tăng một tuổi.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công) cũng thừa nhận không có nước nào trên thế giới mà người tham gia BHXH đóng ít mà lại hưởng nhiều như ở Việt Nam.

Ông nhấn mạnh cần tuân thủ nguyên tắc tối cao đóng - hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nhưng cũng cần có sự chia sẻ. Sự chia sẻ của số đông với số ít, thế hệ này, thế hệ khác…

Cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 20-30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách. Phó thủ tướng lấy ví dụ việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh.

Nói về các giải pháp cải cách chính sách cũng như mở rộng đối tượng, mở rộng quỹ BHXH, Phó thủ tướng nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển kinh tế.

“Chúng ta đạt được mục tiêu một triệu lao động sẽ có thêm nhiều quan hệ lao động, giải quyết được đóng và hưởng BHXH của nhiều đối tượng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa việc đóng BHXH, giảm thời gian đóng BHXH (hiện tại là 20 năm) để thu hút người tham gia.

(Theo Zing)