Sau vụ bê bối của Wells Fargo tại Mỹ, thêm một thông tin liên quan tới lĩnh vực ngân hàng được dư luận quan tâm là ông lớn thẻ Mastercard đang phải đối mặt với vụ kiện 19 tỷ USD tại Anh.

Người đệ đơn là ông Walter Merricks, cựu lãnh đạo Financial Ombudsman Service (một tổ chức tại Anh chuyên giải quyết các đơn kiện liên quan đến các hãng dịch vụ tài chính) cho rằng, mạng thanh toán lớn thứ hai thế giới bị cáo buộc đã thu phí quá cao khi khách hàng quẹt thẻ. Chính vì thế các hãng bán lẻ đã nâng giá sản phẩm. Tất cả người mua đều phải chịu mức giá bán lẻ cao hơn.

Trong đơn kiện 600 trang nộp lên tòa án London, từ năm 1992 – 2008, Mastercard đã tính phí lên tới hơn 1% giá trị giao dịch mỗi khi khách hàng thanh toán quốc tế bằng các loại thẻ. Phí này không áp trực tiếp lên người dùng nhưng nhằm vào bên bán khiến họ phải tăng giá và khách hàng vẫn là bên chịu thiệt cuối cùng.

{keywords}
Hàng triệu khách hàng sẽ được bồi thường

Theo tính toán của Reuters, có 46 triệu người thuộc diện này và nếu chia đều thì mỗi người sẽ nhận khoảng 300 bảng (hơn 8,8 triệu đồng). Dựa theo các điều khoản trong Đạo luật quyền lợi người tiêu dùng năm 2015 của Anh, tất cả những người sống tại nước này, từng sử dụng các loại thẻ của MasterCard và trên 16 tuổi trong giai đoạn nói trên đều tự động được xem là nguyên đơn trong vụ kiện trừ khi họ xin rút.

Cơ sở cho vụ kiện nói trên là phán quyết năm 2014 của Tòa án Công lý châu Âu cho rằng MasterCard đã áp phí quá cao, gây tổn hại cho khách hàng mỗi khi dùng thẻ của hãng thanh toán quốc tế trong phạm vi EU. EU đã giới hạn các nhà bán lẻ trả phí 0,2 % đối với thẻ tín dụng và 0,3 % cho thẻ ghi nợ.

Trong một tuyên bố của mình, Mastercard cho rằng: “Chúng tôi không đồng ý với các cáo buộc này và sẽ phản đối mạnh mẽ”.

Hãng luật Quinn Emanuel nhận định, đây là một vụ đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Vụ việc này ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng tại Anh. Bất cứ người nào trên 16 tuổi sống tại Anh mà sử dụng thẻ trong thời gian vụ kiện được đưa ra đều có thể được nhận bồi thường., ngay cả những khách hàng hiện không còn sinh sống tại Anh.

Nhiều khả năng đến đầu năm 2018, vụ việc mới được đưa ra xét xử, nếu Mastercard không dàn xếp được với nguyên đơn.

Trước đó, Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) vừa quyết định phạt Tập đoàn ngân hàng Lloyds (LBG) 4,3 triệu bảng (tương đương 6,9 triệu USD) vì đã chậm trễ trong việc thanh toán tiền bồi thường cho 140.209 khách hàng liên quan đến vụ bê bối bán sai bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI). Đây từng được xem là vụ bê bối tốn kém nhất trong lịch sử ngành ngân hàng ở "đảo quốc sương mù."  

Duy Anh - Phụng Hiếu