Trong quá trình thâm nhập vào các tổ chức mua bán tiền ảo, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện về rủi ro của người chơi. Hôm nay trở thành tỉ phú, ngày mai có thể trắng tay.  

Cuộc chơi 1% may mắn, 99% rủi ro

N.T.M (một dân đầu tư tiền ảo lâu năm tại Việt Nam) dẫn chúng tôi đi dự một số hội thảo do các nhóm đầu tư tiền ảo tổ chức tại Hà Nội. Những cái tên như EA capital, hay BitDeal đều được quảng cáo là thành lập ở nước ngoài, có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chiêu thức chung của những tổ chức này là dùng lãi suất cao để “dụ” người đầu tư vào các loại tiền ảo.

{keywords}
Các hội thảo mời đầu tư tiền ảo thu hút rất nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, M cũng tiết lộ những chuyện “thâm cung bí sử” của cộng đồng đầu tư tiền ảo ở Việt Nam. Sự thực là, trong 10 người chơi thì chỉ 2 người được và đến 8 người mất trắng. Người chơi lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo lắng, sợ sập sàn, sợ người ôm vốn bỏ trốn.

Cũng giống như mô hình kinh doanh đa cấp, các tổ chức, nhóm đầu tư tiền ảo sẽ có một số người hưởng lãi thật, thậm chí là lãi lớn, để làm bằng chứng sống dẫn dụ những người khác. Nhưng thực tế, lãi chỉ chảy vào túi một số người đứng đầu, theo mô hình kim tự tháp.

“Cơn bão” đa cấp tiền ảo đang “quét” qua làng quê

Dù tiền ảo không liên quan gì tới bán hàng đa cấp, nhưng những kẻ lừa đảo đã lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, về tận các vùng quê để lôi kéo người dân tham gia. Trong lúc chưa có quy định pháp luật để quản lý các biến tướng từ tiền ảo này, nhiều người dân đã bị “sập bẫy”.

{keywords}
 Các tổ chức đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để kêu gọi đầu tư tiền ảo.

Những tháng qua, hàng ngàn người dân tại miền quê nghèo Gia Lai điêu đứng vì trót đổ tiền tham gia sàn tiền ảo đa cấp bitcoin. Các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”.

Họ đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng và hoa hồng hậu hĩnh để “dụ” người chơi. Kết quả, kẻ lừa đảo “ôm” hơn 22 tỉ đồng của người dân trong vùng và biến mất.

Bà H.T.T (trú tại xã An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai) đã đi vay nặng lãi số tiền hơn 120 triệu đồng để tham gia với hy vọng đổi đời. Khi kẻ ôm tiền bỏ trốn, bị chủ nợ dồn đến đường cùng, bà đã nhảy xuống giếng tự tử nhưng may mắn cứu sống. 

Trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra khung pháp lý quy định về tiền ảo, “cơn bão” đa cấp biến tướng từ tiền ảo vẫn “quét” qua các làng quê. Vì nhẹ dạ, số người đổ tiền thật để đầu tư tiền ảo vẫn tăng mỗi ngày, bất chấp rủi ro được cảnh báo. 

(Theo Lao Động)