Sau khi 6 tập đoàn, tổng công ty từng trực thuộc Bộ Công Thương chuyển chức năng chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước, ngày 12/11 hàng loạt DN lớn khác như Mobifone, VNPT, SCIC... cũng “về nhà mới”.

Một ngày lịch sử: 555 nghìn tỷ về tay 'siêu' Ủy ban

Chiều 12/11, Lễ ký biên bản chuyển đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Mobifone, VNPT từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN đã diễn ra.

{keywords}
Mobifone chính thức về với Ủy ban quản lý vốn nhà nước

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: VNPT và Mobifone là 2 DN lớn của ngành Thông tin truyền thông nước nhà, hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua, có gắn bó lịch sử với ngành thông tin và truyền thông. Các DN lớn của đất nước về với Ủy ban quản lý vốn nhà nước góp phần thay đổi cách quản trị, tách bạch quản lý nhà nước và quản lý DN, tập hợp các DN lớn về một đơn vị quản lý. VNPT và Mobifone về Ủy ban quản lý vốn nhà nước nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn là bộ quả lý nhà nước về ngành, sẽ tiếp tục tạo môi trường pháp lí, công nghệ, thị trường cho 2 DN phát triển, tạo nòng cốt về hạ tầng viễn thông cho đất nước, hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Còn trong sáng 12/11, Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) cũng được Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ký biên bản bàn giao chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Theo đó, SCIC chính thức chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong hơn 12 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai có hiệu quả định hướng củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động theo Kết luận 78 của Bộ Chính trị, hoạt động của SCIC đã đạt được một số kết quả tích cực.

“Sau khi chuyển giao về Ủy ban, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với nỗ lực của SCIC cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương thì SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Ðảng”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Cũng trong ngày 12/11, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chính thức tổ chức Lễ Ký biên bản chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 5 TCT từ Bộ Giao thông về Ủy ban.  Cụ thể, Bộ GTVT bàn giao về Ủy ban QLVNN Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam;  Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên và Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên. Tổng vốn điều lệ của 5 đơn vị kể trên là khoảng 49 nghìn tỷ đồng, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hơn 46,3 nghìn tỷ đồng.

Trước đó ngày 10/11, 6 tập đoàn – tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) cũng được chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại của 6 DN này là trên 555 nghìn tỷ đồng, bằng 1 nửa tổng giá trị vốn của 19 DNNN chuyển về Ủy ban quản lý vốn.

Như vậy, đến thời điểm này, 14/19 DN đã hoàn thành việc chuyển giao chức năng đại diện chủ sở hữu từ các bộ ngành về Ủy ban quản lý vốn nhà nước. 

Ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự lễ ra mắt Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách trong việc quản lý vốn nhà nước tại DN, thay vì phân tán tại các bộ ngành như lâu nay.

Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Lương Bằng