Sắp tới, mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi sẽ được giảm xuống mức 10-20 triệu đồng, thay vì mức phạt 80-100 triệu đồng như hiện nay.

Đổi 100 USD, người phụ nữ ở Nghệ An bị phạt 40 triệu đồng

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Trả lại tang vật, miễn tiền phạt?

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Trong đó, điểm đáng lưu ý trong dự thảo lần này là việc giảm mức phạt cho hành vi mua bán ngoại tệ trái phép của cá nhân.

Theo đó, dự thảo lần này sửa đổi mức phạt cảnh cáo với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ xuống còn 10-20 triệu đồng.

{keywords}
 

Hiện nay, hành vi đổi, mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi mức phạt đang quy định lên tới 80-100 triệu đồng bất kể mệnh giá quy đổi ngoại tệ (được quy định tại Nghị định 96). Đi kèm với mức phạt này, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng biện pháp tịch thu tang vật ngoại tệ và tiền đồng.

Thời gian vừa qua, không ít trường hợp người dân mang 100 USD đi đổi ở tiệm vàng, tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ và bị phạt từ 80-100 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật.

Với các hành vi chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật cũng sẽ bị phạt tiền 40-80 triệu đồng.

Với các điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp nếu không niêm yết tỷ giá mua, bán; niêm yết không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng,... nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo lần này cũng bổ sung thêm một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thu đổi ngoại tệ đến mức phải xử phạt.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng, đại lý thu đổi mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá; thu phí giao dịch; ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ... không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị phạt tiền 40-80 triệu đồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh xuống còn 10-20 triệu từ mức 30-60 triệu đang áp dụng.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng sẽ được điều chỉnh mức phạt 200-300 triệu đồng từ mức hiện hành 250-300 triệu. Còn hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đang bị phạt tiền từ 450 triệu đến 500 triệu sẽ giảm xuống mức phạt 400-500 triệu đồng. Đi kèm với hình thức phạt tiền, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng biện pháp tịch thu số vàng trao đổi, yêu cầu nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động vi phạm.

Hạnh Nguyên

Gia cảnh éo le của người đổi 100 USD bị phạt 90 triệu

Gia cảnh éo le của người đổi 100 USD bị phạt 90 triệu

Để tìm hiểu rõ hơn về lai lịch của người đàn ông đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua tại TP. Cần Thơ, chiều 26/10, PV đã có buổi trò chuyện với những người trong cuộc.

Một USD cũng như 100.000 USD, đừng nói phạt nặng hay nhẹ

Một USD cũng như 100.000 USD, đừng nói phạt nặng hay nhẹ

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trong vụ bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, nếu chủ tiệm vàng không mua thì chẳng có chuyện gì xảy ra.