Theo xếp hạng của Forbes, CEO hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt top 100 người phụ nữ quyền uy nhất thế giới và có vị trí cao hơn bà Hillary Clinton.

Tạp chí uy tín Forbes vừa công bố bảng xếp hạng 100 người phụ nữ quyền uy nhất thế giới năm nay với một kỷ lục mới về số lượng người mới: 23 người.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet là người Việt Nam duy nhất có mặt trong top này, với thứ hạng 55, cao hơn cựu chính trị gia Mỹ Hillary Clinton (xếp thứ 65).

Tiêu chính đánh giá mức độ “quyền uy” bao gồm: giá trị tài sản, doanh nghiệp, tác động trong lĩnh vực kinh doanh, sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông, chính trị, ảnh hưởng tới cộng đồng…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người đã đưa Vietjet trở thành hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng thần kỳ, từ con số 0 năm 2012 sau 5 năm bay thương mại đã chiếm gần 42% thị phần thị trường nội địa Việt Nam.

{keywords}
:\

Sự hiện diện của Vietjet đã thay đổi thị trường hàng không Việt Nam, biến dịch vụ đi lại vốn được xem là xa xỉ này trở nên gần gũi với người dân.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện trực tiếp và gián tiếp nắm giữ khoảng 38% cổ phần của hãng hàng không VietJet. Cổ phiếu Vietjet (VJC) đã tăng gần gấp đôi kể từ khi lên sàn cuối tháng 2/2017, giúp bà Thảo trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Forbes, khối lượng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp có tốc độ bứt phá rất ngoạn mục trong bảng xếp hạng công bố đầu tháng 10/2017. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air và là chủ tịch Tập đoàn Sovico Holdings) có 1,82 tỷ USD và là nữ tỷ phú USD Việt độc chiếm “ngôi hậu” Đông Nam Á.

Trong 9 tháng đầu năm, hãng hàng không Vietjet (VJC) của bà Thảo đạt lợi nhuận trước thuế gần 3 ngàn tỷ đồng và có tổng tài sản hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Trong bảng xếp hạng của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 55, trong khi bà Hillary Clinton chỉ đứng thứ 65.

Thủ tướng Đức Angela Merkel giữ vị trí số 1 năm thứ 7 liên tiếp. Đứng thứ 2 là thủ tướng Anh Theresa May.

VJC là một trong những cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là một trong những cổ phiếu liên tiếp lập mức giá cao kỷ lục trong vài tháng gần đây nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và sức hút dòng vốn nội ngoại.

Nhiều cổ phiếu khác cũng góp phần tạo nên bước tăng trưởng thần kỳ của TTCK Việt trong năm 2017 như: Thế giới di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng…

Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài vừa có kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP trị giá ngàn tỷ đồng cho cán bộ quản lý chủ chốt và nhân viên kinh doanh có đóng góp cho sự tăng trưởng và cải thiện hiệu quả kinh doanh của công và các công ty con trong năm 2016.

Với giá phát hành 10 ngàn đồng (so với thị giá gần 120 ngàn đồng), cán bộ nhân viên MWG sẽ có lợi cả ngàn tỷ đồng.

Giống như Vietjet (VJC), cổ phiếu VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng cùng lên sàn năm 2017 và là điểm nóng của năm.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận Ngân hàng VPBank tăng vọt, lọt top 3 và vượt qua cả ông lớn BIDV.

Trên thị trường, sau nhiều tháng tăng liên tục và lên đỉnh cao gần thập kỷ, áp lực chốt lời đang đẩy giá nhiều cổ phiếu giảm trở lại. Tuy nhiên, khối ngoại đang quay trở lại mua ròng, tập trung vào các mã như: VNM, VCB, VCI, NLV, CTD…

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11, VN-index giảm 9,62 điểm xuống 833,09 điểm; HNX-Index giảm 1,56 điểm xuống 103,42 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 52,2 điểm. Thanh khoản đạt hơn 250 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 5,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú