Dòng tiền hàng chục tỷ USD đang dồn dập hướng tới Đông Nam Á (ĐNA) trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều thay đổi và Asean đươc các nước lớn coi là tương lai phát triển của thế giới.


Nối bước tỷ USD

Đại diện ngoại giao Trung Quốc (TQ) phát đi thông báo cho biết, Bắc Kinh sẽ cung cấp khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD để đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Philippines Duterte có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc.

Các thỏa thuận trị giá tổng cộng 13,5 tỷ USD đã được ký kết và Trung Quốc bày tỏ hy vọng sẽ là một cột mốc để cải thiện đầy đủ quan hệ giữa 2 nước. Một liên minh thương mại mới cũng được kỳ vọng sẽ được hình thành.

Như vậy, dòng vốn TQ nhiều khả năng sẽ nhanh chóng chảy vào một nơi tưởng chừng ít khả thi nhất. Nhờ đó, khả năng Đông Nam Á trở thành cái rốn hút vốn của thế giới và là nơi cạnh tranh của các “ông lớn” ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết.

Trước đó, hồi giữa tháng 8, TQ đã trải thảm đỏ trịnh trọng đón cố vấn Myanmar, bà Aung San Suu Kyi trong một nỗ lực nóng lòng níu chân Myanmar trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại ĐNA, đặc biệt ở đất nước mới mở cửa, cơ hội “có một không hai” và đang trở thành một thiên đường đầu tư mới này.

{keywords}
Trung Quốc níu chân Myanmar.

Theo kế hoạch, TQ muốn đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bộ, xe lửa cùng với các đường ống dẫn dầu khí đốt (xuyên qua Myanmar thông ra vịnh Bengal) nhằm thúc đẩy thương mại của TQ từ Trung Đông mà không phải đi qua Biển Đông. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, TQ cũng sẽ sẵn sàng đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia và cơ sở hạ tầng nhằm đưa Myanmar vào mạng lưới kinh tế khu vực của TQ.

Nhiều khả năng dự án xây đập thủy điện Myitsone đang bị bế tắc và dự án cảng nước sâu quan trọng trị giá nhiều tỷ USD cũng sẽ được khơi thông trong thời gian tới. Thời kỳ dòng vốn FDI cả chục tỷ USD từ TQ đổ vào Myanmar như hồi 2011 có thể sớm lặp lại.

Bờ biển Myanmar có thể trở thành “bờ biển phía Tây” giúp hàng hóa TQ nhanh chóng thông ra Ấn Độ Dương, rút ngắn quãng đường vận chuyển dầu khí từ Trung Đông.

Trước đó, chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng đã đề nghị phát triển quan hệ hợp tác chiến lược song phương mật thiết với Bangladesh nhằm phục vụ cho chính sách "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. TQ cũng muốn phát triển quan hệ hợp tác “đối tác chiến lược toàn diện với Campuchia lên một tầm cao mới”.

{keywords}
Tìm đường ra vịnh Bengal.

Mở rộng mạng lưới, gia tăng ảnh hưởng

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên hoạt động thương mại trên Con Đường Tơ Lụa huyền thoại được thực hiện bởi phương tiện tàu hỏa, nối từ TQ tới thị trấn Hairatan ở tỉnh Balkh, phía Bắc của Afghanistan.

Đó là một bước tiến nữa của TQ trong kế hoạch nâng cao tầm ảnh hưởng ở châu Á, biến Afghanistan trở thành một trung tâm trung chuyển của khu vực, kết nối TQ với các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu bằng một con đường tơ lụa trên bộ, bên cạnh một con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Với Sri Lanka, TQ vẫn đang tiếp tục triển khai dự án cảng Colombo tại đất nước này nơi mà nước láng giềng Ấn Độ phải sử dụng để vận chuyển 80% hàng hóa xuất nhập khẩu.

Có thể thấy, sau những nỗ lực phát triển theo hướng Đông Tây (với trọng điểm là con đường tơ lụa trên bộ), TQ bắt đầu vươn mạnh và tăng cường ảnh hưởng xuống phía Nam, xuống khu vực ĐNA, như một bước mới nhằm đối phó với chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

ASEAN nằm trên tuyến “con đường tơ lụa trên biển” cho nên khu vực này thuộc ưu tiên lớn của ông Tập Cận Bình, ngay từ khi lên nhậm chức. Quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có lẽ không nằm ngoài nỗ lực nhằm thực hiện một số dự án đầy tham vọng như: kênh đào qua Thái Lan, các dự án hạ tầng tại Indonesia, Malaysia…

{keywords}
Xây dựng con đường tơ lụa trên biển.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho tới thời điểm này, DN TQ cũng đang đẩy mạnh đổ tiền vào khu vực ASEAN. Các NĐT TQ không chỉ muốn đổ tiền vào cơ sở hạ tầng mà còn vào ngành nông nghiệp, năng lượng và công nghệ tài chính mới...

Có thể thấy, sự nổi lên của đồng NDT cùng với vị thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và dự trữ ngoại hối hàng ngàn tỷ USD, TQ đang cạnh tranh trực tiếp ngôi đầu về  kinh tế của Mỹ trên thị trường châu Á. Túi tiền dư dả cùng với chính sách đầu tư không yêu cầu nhiều điều kiện đang giúp dòng vốn TQ chiếm ngôi ở nhiều khu vực trong đó có ĐNA. Vai trò của Mỹ cũng như các định chế tài chính, thương mại toàn cầu như WB, IMF, WTO… có dấu hiệu giảm dần.

Trên thực tế, sức mạnh và ảnh hưởng của nền kinh tế của Mỹ tới thế giới vẫn còn rất lớn. Biểu hiện rõ nét là sự phổ biến của đồng USD và sự gia tăng về giá trị của đồng bạc xanh trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, sự mờ nhạt trong các lĩnh vực như FDI hay thương mại tại các khu vực phát triển năng động như ĐNA… đang tạo ra cơ hội cho TQ mở rộng ảnh hưởng của mình.

Sự nổi lên của TQ là khá rõ ràng. Mặc dù vậy, người dân khu vực ĐNÁ dường như vẫn khá lo ngại và chưa đặt niềm tin vào dòng vốn của TQ. Chất lượng, sự minh bạch cũng như thiện chí của các NĐT là điều mà dư luận nhiều nước quan tâm đặc biệt.

V. Minh