Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu SCIC phải là một tổng công ty mạnh, gương mẫu trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản, vốn của nhà nước không chỉ trong khối DN quốc doanh mà cả các doanh nghiệp khác.

Làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu và hoạt động của doanh nghiệp này sáng 26/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, hơn 10 năm qua, hoạt động đầu tư, kinh doanh của SCIC đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, các chỉ tiêu luôn đạt mức cao so với mức bình quân chung của các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 56% (tăng 55 lần so với năm 2006), vốn chủ sở hữu tăng bình quân 31%/năm, tổng tài sản tăng bình quân 36%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân đạt 56%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 99%/năm, các chỉ số ROE tăng bình quân 19% và ROA tăng bình quân 15%/năm.

{keywords}
PTT Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo SCIC

Trong triển khai tái cơ cấu DNNN, SCIC là một trong những tổng công ty đi đầu với hiệu quả bán vốn tại các DNNN không cần nắm giữ hoặc chi phối đạt hiệu quả cao.

SCIC đã bước đầu triển khai thành công hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đã giải ngân tới nay trên 24.336 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đặc biệt, hai năm qua, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 8.500 tỷ đồng (chiếm hơn 30% tổng số vốn đã giải ngân trong 10 năm qua) khi thực hiện Đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng SCIC cần thực hiện tốt hơn việc tái cơ cấu hay đầu tư thêm vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp đã tiếp nhận bàn giao mỗi khi bán và thoái vốn, chưa thực sự thực hiện được vai trò tổ chức đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước,...

Thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và SCIC tiếp tục rà soát, hoàn thiện Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn tới năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

SCIC cũng cần chủ động đề xuất sửa đổi chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động.

Đối với hoạt động đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không quan tâm hoặc không đủ năng lực đầu tư; nghiên cứu đầu tư vào những ngành mới có tính chất chiến lược quốc gia như sản phẩm khoa học công nghệ mới mà nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam đã làm chủ hay khởi nghiệp thành công nhưng cần vốn đầu tư ban đầu lớn.

Về chủ trương thoái vốn tại các DNNN đang hoạt động hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC bám sát các nghị quyết về đổi mới, phát DNNN để đạt lợi ích cao nhất.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC phải là một tổng công ty mạnh, gương mẫu trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản, vốn của nhà nước không chỉ trong khối DNNN mà cả các thành phần doanh nghiệp khác.

Phó Thủ tướng mong muốn SCIC sẽ nỗ lực vươn lên, trở thành tập đoàn tài chính quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược của Nhà nước đối với nền kinh tế, từng bước vươn ra quốc tế, thúc đẩy có hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập quốc tế.

Thành Chung