Tính kịch khung hệ số lương các “sếp lớn” doanh nghiệp Nhà nước, số tiền có thể lên tới 151,2 triệu đồng/tháng, tiền thưởng tối đa được nhận là 1,5 tháng lương bình quân.

Khác với công chức, viên chức hay người quản lý tại các cơ quan Nhà nước, tiền lương của người quản lý tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được tính gắn với quy mô, lợi nhuận của đơn vị, tương ứng với mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với kết quả kinh doanh.

Tính theo hệ số tăng thêm cùng mức lợi nhuận doanh nghiệp thu về được, các "sếp lớn" tại DNNN có thể nhận được mức lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

"Sếp" DNNN nhận lương tối đa hơn 150 triệu/tháng

Hiện nay, tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động, người quản lý tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được quy định tại Nghị định 53/2016.

Theo đó, với vai trò quản lý doanh nghiệp, các "sếp lớn" DNNN cũng chỉ được hưởng mức lương cơ bản tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng với công ty có lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, các công ty có lợi nhuận kế hoạch lớn hơn 50 tỷ thì người quản lý sẽ được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương so với mức lương cơ bản từ 0,5 đến 2,5 lần.

{keywords}
 

Cụ thể, đối với công ty có lợi nhuận trên 50 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng, người quản lý sẽ được cộng thêm hệ số bằng 0,5 lương cơ bản, tương đương mức lương 54 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận kế hoạch từ 100-500 tỷ, lãnh đạo tại doanh nghiệp đó sẽ được cộng thêm hệ số 1, tương đương mức 72 triệu đồng/tháng. Với mức lợi nhuận kế hoạch càng cao, hệ số lương cộng thêm càng tăng cao cho tới kịch khung là 2,5 lần, tương ứng 126 triệu đồng/tháng nếu mức lợi nhuận kế hoạch trên 1.500 đồng.

Mức lương người quản lý DNNN theo lợi nhuận tại các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ được chia theo mức lợi nhuận kế hoạch 100-300 tỷ; 300-700 tỷ; 700-1.000 tỷ và trên 1.000 tỷ tương ứng với mức hệ số cộng thêm lần lượt 1; 1,5; 2 và 2,5 lần.

{keywords}
 

Đối với DNNN trong các lĩnh vực còn lại, người quản lý muốn hưởng mức lương 126 triệu đồng/tháng thì công ty phải có lợi nhuận kế hoạch trên 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 126 triệu đồng/tháng chưa phải con số cuối cùng. Theo quy định, với công ty có quy mô, lợi nhuận lớn hơn nhiều so với giới hạn, hoặc do tính chất hoạt động trong một số lĩnh vực thì người quản lý sẽ được cộng thêm 2% tiền lương với mỗi 1% lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch, nhưng tối đa không quá 20% tiền lương. Tương đương mức lương tối đa một lãnh đạo cấp cao trong DNNN có thẻ nhận được lên tới 151,2 triệu đồng/tháng.

Thưởng không quá 1,5 tháng lương

Nghị định 53 cũng quy định mức thưởng tối đa đối với người lao động, người quản lý tại DNNN sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, cổ đông...

Cụ thể, nếu lợi nhuận công ty vượt kế hoạch, sau khi chia lợi ích cho các cổ đông người quản lý sẽ được thưởng tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương bình quân thực hiện, tương đương không quá 226,8 triệu đồng. Trường hợp lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận kế hoạch thì tiền thưởng tối đa không quá 1 tháng tiền lương bình quân thực hiện.

Trong khi đó, quỹ khen thưởng, phúc lợi đối với người lao động tại DNNN tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện bằng lợi nhuận kế hoạch. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch thì được trích thêm quỹ khen thưởng bằng 20% lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch, nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện.

Trước đó, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có nhắc tới Công ty mẹ - TCT Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco đã chi vượt thưởng cho người quản lý trong năm 2015 (thời điểm Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối).

Cụ thể, Sabeco chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng là hơn 12 tỷ đồng, bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý. 

Trong khi đó, mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại Nghị định 71 năm 2013 chỉ là 1,5 tháng lương. Và mức thưởng Sabeco đã chi cao hơn mức khen thưởng mà Bộ Công Thương chấp thuận tới hơn 12,7 tỷ đồng.

(Theo Zing)