Cú thâu tóm kinh điển diễn ra cách đây 3 năm đã giúp Hồ Xuân Năng có 600 triệu USD. Cái tên Năng “Do Thái” giờ đây thêm nổi bật sau khi ông trùm đá ốp lát tấn công vào một lĩnh vực mới.

Trong tuần qua, cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới: 205.600 đồng/cp. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 6 tháng, cổ phiếu VCS đã tăng giá gấp đôi giúp túi tiền của ông Hồ Xuân Năng (chủ tịch VCS) lên gần 13,2 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 580 triệu USD.

Cú thâu tóm Vicostone kinh điển đã giúp ông Hồ Xuân Năng từ một cán bộ nghiên cứu nông nghiệp và thư ký Chủ tịch Vinaconex (trước là doanh nghiệp mẹ của VCS) trở thành đại gia sở hữu khối tài sản cả chục ngàn tỷ đồng trên sàn chứng khoán.

Sau khi “bán mình” cho đối thủ, Vicostone đã tăng trưởng gấp hơn 20 lần thành công ty 730 triệu USD chỉ sau 3 năm. VCS trở thành “siêu cổ phiếu” tăng giá hàng ngàn phần trăm, cao hơn rất nhiều so với tốc độ của thị trường chứng khoán chung.

Vốn hóa của Vicostone thậm chí còn gấp đôi so với “công ty mẹ” Vinaconex (VCG). Vicostone tiếp tục là một trong những nhà sản xuất đá tấm thạch anh lớn nhất thế giới và kết quả kinh doanh tăng trưởng không ngừng trong những năm qua.

{keywords}
Hồ Xuân Năng.

Thành công vượt bậc với cú thâu tóm giúp mình lọt vào top 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, tuy nhiên, tham vọng của ông Hồ Xuân Năng vẫn rất lớn.

Ông Hồ Xuân Năng vừa bước chân vào lĩnh vực giáo dục với việc trở thành tân Chủ tịch đại học Thành Tây. Tiến sĩ Đàm Quang Minh nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học FPT là hiệu trưởng mới của trường.

Mô hình hoạt động của trường được dựa trên mô hình hoạt động của các trường đại học Hoa Kỳ và kinh nghiệm của các trường đại học tư thục đã thành công tại Việt Nam như ĐH FPT, ĐH Hoa Sen và ĐH Duy Tân.

Thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn như Vingroup (VIC) của Phạm Nhật Vượng, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng, Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB)…

Nhiều cổ phiếu đầu ngành khác cũng có những kết quả kinh doanh ấn tượng và có khả năng trở thành các trụ đỡ khi thị trường chứng khoán đang ở mức cao nhất trong thập kỷ qua: 820,95 điểm.

CTCP Vĩnh Hoàn, nhà chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu 211 triệu USD từ xuất khẩu trong 9 tháng, tăng nhẹ trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát hàng nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán giao dịch khởi sắc như: VCI, BVS, HCM… Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn đang có diễn biến tích cực như: VCG, HBC, DXG, KBC….

Các cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực với VPBank (VPB) tăng lên mức cao kỷ lục mới: 40.200 đồng/cp.

Với mức giá này, vốn hóa của ngân hàng vốn thuộc top dưới VPBank giờ đây tăng vọt lên 60,2 ngàn tỷ đồng (tương đương 2,64 tỷ USD). Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cùng với vợ và mẹ nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng gần chục ngàn tỷ đồng, lọt top 10 giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

{keywords}
Thị trường chứng khoán lập đỉnh mới.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Nhìn chung, kết quả tăng điểm của thị trường trong các phiên gần đây chủ yếu đến từ diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản chưa được cải thiện nhiều. Đây là dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng xu hướng đi ngang, phân hóa của thị trường sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, sức cầu khá lớn từ cả trong nước và ngoài nước đối với các cổ phiếu trụ cột trên sàn đang phản ánh sự lạc quan hơn của nhà đầu tư đối với xu hướng tăng điểm của thị trường.

Về trung hạn, các chỉ số vẫn đang duy trì khá vững chắc xu hướng tăng điểm. Đích đến của chỉ số VN-Index được kỳ vọng nằm tại 835- 840 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý khả năng thị trường sẽ phải đối mặt với áp lực rung lắc mạnh và quay đầu điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh đã đề cập ở trên. Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 824-826 điểm và 835-840 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 808- 812 điểm và 798-802 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/10, VN-index tăng 5,08 điểm lên 820,95 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 109,11 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 53,97 điểm. Thanh khoản đạt 205 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú