Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% áp dụng từ ngày 1/1/2019. Lo ngại tăng thuế sẽ ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ đầu tư - sản xuất và lưu thông mà cuối cùng là hàng triệu người dân bị tác động, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, địa phương có ý kiến không đồng tình. Dẫu vậy, Bộ Tài chính vẫn kiên trì quyết tâm muốn tăng thuế VAT và chỉ “lùi một bước nhỏ”.
Nhiều ý kiến không đồng tình
Cuối tháng 8/2017, trong dự thảo đề cương xây dựng luật sửa đổi các luật về thuế, Bộ Tài chính đã gây sốc khi đề xuất nâng thuế VAT từ 10% lên 12% áp dụng từ 1/1/2019.
Khi ấy, nhiều chuyên gia, hiệp hội, DN đã lên tiếng bày tỏ nhiều quan ngại. Bản thân nhiều bộ ngành khi góp ý với Bộ Tài chính cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ nội dung này.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng. Bởi chính sách thuế giá trị gia tăng có tác động rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, từng doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.
Đề xuất tăng thuế VAT khiến dư luận dậy sóng. |
“Việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng thông thường sẽ dẫn đến mặc bằng giá của nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc, thực phẩm, nhân công,... tăng lên gây áp lực lớn đối với nền kinh tế”, Bộ này lo ngại.
Chung quan điểm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đánh giá việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Bởi, tăng thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá bán sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ, thận trọng khi đề xuất tăng thuế...
Dẫn tính toán của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ gây tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP giảm 0,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,28%. Do vậy, để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, đề nghị Bộ Tài chính “cân nhắc việc đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay”.
Nhiều địa phương như UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị giữ nguyên mức thuế suất VAT 5% và 10% như hiện nay.
Góp ý kỹ hơn, UBND tỉnh Hưng Yên phản bác lập luận "tăng thuế VAT vì các nước trên thế giới cũng làm vậy", "để bù cho thuế nhập khẩu giảm", "nợ công tăng cao".
UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: Hoàn cảnh kinh tế mỗi nước là khác nhau và thuế giá trị gia tăng phải đặt trong tổng thể các sắc thuế nên việc viện dẫn theo kinh nghiệm quốc tế để quyết định chính sách thuế là “chưa thuyết phục". Cho nên, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính bổ sung cơ sở đề xuất bằng những nghiên cứu định lượng.
“Việc tăng mức thuế này có thể làm giảm tiêu dùng kéo theo việc giảm sản xuất, giảm đóng góp vào ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ chịu mức thuế tăng này. Việc điều chỉnh cần có lộ trình, không ảnh hưởng đến nền kinh tế và tác động mạnh đến người nghèo”, UBND tỉnh Hưng Yên góp ý.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nên giữ nguyên mức thuế suất như cũ, không tăng trong 3 năm đầu (kể từ khi Luật này có hiệu lực). Thay vào đó, sẽ thực hiện mức tăng như đề xuất trong dự thảo kể từ năm thứ 4 trở đi.
Hiệp hội này cũng nhắc đến việc hàng năm, Chính phủ đều điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tuy nhiên tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu (hiện đáp ứng được khoảng 90%). Vì vậy, để đảm bảo ý nghĩa của việc Chính phủ tăng lương tối thiểu hàng năm cho người lao động có được tác động tích cực nhất, rất cần phải xem xét cẩn trọng lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng.
Bộ Tài chính thừa nhận tăng thuế VAT ảnh hưởng người thu nhập thấp, nên cần có chính sách hỗ trợ. |
Bộ Tài chính lùi một bước
Giải trình các ý kiến phản hồi trên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm việc tăng thuế VAT là cần thiết.
Những lý do Bộ Tài chính đưa ra cũng không mới, cơ bản giống như những gì Bộ này đề cập từ tháng 8 năm ngoái.
Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo. Và rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ tác động rất nhỏ đến chi tiêu của nhóm người có thu nhập thấp - đối tượng chủ yếu tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ như mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục.
Một điều hơi khác biệtt, trong lập luận lần này, Bộ Tài chính không còn cho rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo nữa. Thay vào đó, Bộ này thừa nhận việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% có thể tác động đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo. Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000 đồng/tháng,...
Dẫu bảo lưu quan điểm cần tăng thuế, nhưng Bộ Tài chính cũng “lùi một bước”.
Cụ thể, để tránh tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Bộ Tài chính đề xuất từ 1/1/2019 chỉ tăng thuế VAT từ 10% lên 11% thay vì 12% như trước. Mức tăng thuế VAT (nếu có) sẽ áp dụng sau đó 1 năm, từ 1/1/2020.
Lương Bằng